Giảng đường - Cuộc sống
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Giảng đường - Cuộc sống  >  
Mở trang nhật ký Mùa hè xanh - Say trong kỷ niệm của những ngày tình nguyện
Cơn say nào cũng vậy, say khi uống rượu, say khi yêu và say sóng… say khi uống rượu thì người ta hiểu thêm lẽ đời, những niềm vui, nỗi buồn từng trải qua, say khi yêu thì mới biết vị ngọt ngào, cay đắng của tình yêu, say sóng thì làm cho ta hiểu biển và yêu biển hơn… Còn với họ, những người đã từng khoác màu áo xanh hăm hở lên đường đến với những miền đất xa xôi vào đúng những ngày hè rực lửa, họ lại say với những kỷ niệm của những ngày tình nguyện…

* Hạ xanh (Đội SVTN “Tiếp sức mùa thi” của ĐHQGHN): Tôi không thể nào diễn tả hết được niềm vui sướng khi lần đầu tiên được khoác trên mình chiếc áo xanh tình nguyện, đã thực hiện được niềm mơ ước bấy lâu. Những ngày này, tôi ra khỏi nhà từ sáng sớm khi về thì đã tối, tuy mệt nhưng vui và có rất nhiều kỷ niệm. Nhất là tôi nhận ra được giá trị của bản thân và nhận thấy mình thực sự có ích với người khác. Hôm ấy có một em thí sinh lặn lội lên Hà Nội thi, đến bến xe thì bị lạc người thân, nhìn vẻ mặt lo lắng, đôi mắt đỏ hoe và những dòng nước mắt chảy dài trên má tôi lại nhớ đến mình năm trước và chúng tôi quyết định sẽ ở bên em và giúp em trong mấy ngày thi này. Lúc ra về nhìn nụ cười hạnh phúc của em tôi biết mình đã làm được một việc tốt... Rồi một buổi trưa, tôi đi mua bánh mì cho cả nhóm. Thấy hai đứa mặc áo xanh mua 15 cái bánh mì, bác bán hàng hỏi: "Chúng bay bao nhiêu đứa mà mua nhiều vậy?". "Bọn cháu có 8 đứa thôi, 7 đứa ăn hai cái còn một đứa nó mệt nên chỉ ăn một cái thôi”, “Ăn một cái làm sao mà làm việc được? Thôi khuyến mãi cho tình nguyện thêm cái nữa, bắt nó ăn đủ hai cái đấy nhé!”. Tôi chẳng biết nói gì nữa...

Lại có thầy đi coi thi, thấy sinh viên tình nguyện đang làm việc, mồ hôi ướt đầm lưng áo liền đưa gói xôi của mình cho và bắt ăn. Hôm đi giới thiệu nhà trọ cho mấy bạn thí sinh, bác chủ nhà cám ơn còn đưa tiền cho tôi vì nghĩ chúng tôi là môi giới. Nhưng thấy tôi từ chối vì "Cháu là sinh viên tình nguyện", bác cứ cảm ơn rối rít lại còn mang nước uống cho cả nhóm. Những lúc như thế tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng và mới hiểu được giá trị của hai chữ "tình nguyện"…

Kim Thoa (SV ĐHKHTN): Mình nhớ nhất buổi giao lưu ở một thôn có tên là Quỷnh ở Lục Nam, Bắc Giang vì một kỷ niệm thật vui. ở những thôn khác, các bạn thanh niên khá dè dặt khi đề cập tới những vấn đề về sức khoẻ sinh sản. Thôn Quỷnh thì ngược lại, câu hỏi vừa đưa ra đã có rất nhiều cánh tay giơ lên trong đó rất nhiều em mới chỉ học lớp 6, lớp 7. Em gái ngồi cạnh mình cũng thế, trả lời rất chính xác những câu hỏi về tử cung, buồng trứng. Thấy mình tò mò, em hồn nhiên: "Dạ! mẹ em vừa sinh em bé". Câu hỏi cuối cùng được đưa ra dành cho các bạn nam: "Hãy cho biết hiện tượng thường xuất hiện ở các em nam từ 14-15 tuổi khi ngủ?" Em gái cũng lập tức giơ tay nhưng một bạn nam đã nhanh hơn trả lời chính xác: "Đó là hiện tượng mộng tinh". Em gái bỗng ngơ ngác quay sang mình: "Mộng tinh là cái gì vậy chị?" "Ơ! Thế lúc nãy em định trả lời là gì?" "Dạ, ngủ ngáy ạ!".

Lần khác, đúng dịp 27/7, cả đội đến thăm một bà mẹ liệt sĩ hiện chỉ sống có một mình. Trò chuyện một lúc, cấy giúp bà 2 sào ruộng xong, đội định rút nhưng bà cứ vừa khóc, vừa một mực giữ lại ăn cơm. Mình và Thịnh ở lại với bà. Ngộ nhất là bà cứ xúc một giá gạo lớn bắt hai đứa phải nấu một nồi cơm thật đầy, tôi nhân lúc bà không để ý lén đổ gạo vào thùng. Đến khi nấu xong, bà cứ áy náy mãi chỉ sợ bọn mình bị đói lại nghĩ rằng bà tiếc của. Bưng bát cơm lên mà thấy sống mũi cay cay khi nghe bà khen mãi: "Canh hôm nay sao mà ngon thế". Thường ngày, do mắt bà kèm nhèm, lại quên trước quên sau, hôm thì bỏ nhầm muối, hôm thì cho gia vị tới hai lần, đã lâu lắm rồi không được một bát canh ngon… Hạnh phúc đôi khi thật quá giản đơn!...

Mạnh Hùng (Khoa Kinh tế ĐHQGHN): Đã bao giờ bạn phải nấu cơm cho 25 người chưa? Chợ thì xa tới mấy cây số đường đồi, có hôm đi về rồi mới nhớ bỏ quên hai chục bìa đậu nên phải đạp xe quay lại. Trời thì mưa càng lúc càng nặng hạt, đường dốc lại rải toàn đá cuội, quần áo ướt sũng, cả nhóm đã thấm mệt và đậu thì bắt đầu vỡ. Vậy mà vẫn cười, vẫn động viên nhau ăn canh đậu với cà pháo muối, có lẽ những thời gian ấy là thời gian chúng tôi ăn nhanh nhất và khoẻ nhất. Chỉ cần sau 2-3 phút mâm cơm được dọn ra là mọi thứ đã hết một nửa, bữa cơm nào cũng chỉ 10 -15 phút là hết veo.

Thành Trung (SV ĐHKHTN): Nơi đội chúng tôi đóng quân là một trường tiểu học không có giếng nước. Cô hiệu trưởng - một người khá đặc biệt vì tên cô do một giáo sư trường ĐH Tổng hợp đặt cho khi về sơ tán tại gia đình cô - có hứa sẽ khoan giếng trong thời gian sớm nhất và bảo mọi người có thể đi sang nhà dân tắm nhờ. Bà con trong vùng rất quý sinh viên nên lúc đầu chuyện tắm nhờ có vẻ suôn sẻ. Một hôm, như bao hôm nào, có 3 cậu đi sang nhà nọ, chỉ có anh chủ nhà ngồi trước cửa, chị vợ đi làm đồng, nhà cửa tối um chưa bật điện. Sau khi tắm xong một cậu bước vào bếp (có 2 cửa, một cửa nữa thông từ trên nhà xuống) thay quần áo, miệng đang hát véo von thì điện bật sáng - chị vợ vừa đi làm về, từ trên nhà xuống bếp. Vô cùng thông minh, cậu ta đưa hai tay che mặt và chạy vù ra ngoài…

Hoài Nam (SV ĐHKHTN): Hôm ấy cả đội đến thăm các gia đình chính sách nhân ngày thương binh, liệt sĩ (27/7). Người dân ở Thanh Trì quý sinh viên tình nguyện lắm, đội đi đến đâu cũng được chào đón nhiệt tình, thật là vui. Chúng tôi phải đi vào buổi trưa vì các lớp ôn hè cho các em thiếu nhi vẫn phải dạy bình thường. Lúc đến nhà một bác thương binh nặng, bác mang một chiếc bình thật lớn ra bắt cả đội phải ở lại ăn cơm và uống rượu cùng với bác. Bác kể chuyện chiến đấu tuyệt hay nhưng nhấp rượu thì chẳng hay chút nào. Mọi người phải cố mãi mới xin phép về được để đến gia đình khác.

Phương Khanh (Khoa Sinh, ĐHKHTN): Hoạt động không thể thiếu trong mảng công tác xã hội của đội tình nguyện chúng tôi là là tổ chức giao lưu thể thao. Vì nhân sự của đội hầu hết là nữ nên chúng tôi đã nhất trí sẽ tổ chức giao lưu bóng đá hoặc bóng truyền nữ. Buổi chiều nhóm phát thanh rất tâm lý khi phát đi chùm ca khúc rạo rực để chào mừng trận giao hữu của đôi bên! Nhưng lạ chưa, đã quá năm giờ chiều mà chẳng có trận cầu nào diễn ra trên sân bóng. Hoá ra, do choáng ngợp bởi tính chuyên nghiệp và sự vượt trội về thể lực của đội bạn trong hai môn bóng đá và bóng chuyền, đội nữ SVTN đã quyết định rút lui để bảo toàn lực lượng cho ngày hoạt động tiếp theo. Dịu dàng và mạnh mẽ đó là hai nét tính cách chúng tôi khám phá từ những người bạn Chiềng Châu qua những điệu múa và tinh thần tập luyện thể thao rất hăng say. Điều ám ảnh tôi lâu nhất đó là tinh thần hiếu học của con người nơi đây. Dù kinh tế các hộ gia đình có sự chênh lệch, nhưng khi bước vào bất cứ ngôi nhà sàn nào, chúng tôi cũng để ý thấy trên tường nhà treo kín giấy khen thành tích học tập của các em nhỏ. Tôi chợt hiểu ra rằng : Người Chiềng Châu tự nguyện sinh ít con vì muốn tạo điều kiện tốt nhất cho con cái ăn học, trưởng thành. Những tấm giấy khen, tôi thầm nghĩ, phải chăng là bằng chứng sống động nhất , hùng hồn nhất cho ý thức rất đáng biểu dương và trân trọng ấy của cộng đồng…

Giả Ngọc (ĐHKHXH&NV): Đó là đêm cuối cùng trước khi trở về Hà Nội. Những đôi mắt đỏ hoe ầng ậc nước. Mỗi người một tâm sự, cả đội tình nguyện lặng đi trước cảm giác chia tay. Tất thảy trống trải như khi vừa đánh mất một thứ gì đó. Suốt cả ngày chúng tôi hát, hát tới khi lạc giọng. Những ly rượu chia tay nâng lên, chảy tràn. Mọi người nhảy múa cho tới khi chân tay mỏi rã rời… Con đường ra bến tàu như dài ra vô tận. Tôi còn nhớ mãi lời nhắn nhủ của anh xã đội trưởng trước lúc đội lên tàu: "Cả đội trở về chân cứng đá mềm, đây là ngôi nhà thứ hai của các em. Hãy sống và nhớ về nơi này như nhớ về những ngày tháng sống đầy ý nghĩa…"

Trần Ngọc Linh (Cựu SV khoa Văn học): Chúng tôi tình nguyện cùng những ngày nắng nối tiếp những ngày mưa. Khắp trời đất là một màu xanh, xanh của trời, xanh của biển, xanh của núi rừng và màu áo xanh của sinh viên tình nguyện. Biết bao kỷ niệm, nào là những buổi trò chuyện thăm hỏi bà con địa phương, trao quà cho trẻ em nghèo. Cứ chiều chiều khu trường học- nơi đoàn tình nguyện ở lại rộn ràng tiếng cười đùa của các em thiếu nhi. Chúng tôi không sao quên được những nắm lá rừng bỏ thêm vào nồi nước sôi uống hàng ngày của bà con nhân dân cho đội tình nguyện, những con mực còn tươi nguyên được vớt lên bờ tặng cho chúng tôi với câu động viên thật cảm động : “Ăn lấy sức để còn giúp đỡ bà con".

Chúng tôi biết ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam này có biết bao đội thanh niên tình nguyện như những con sóng đang ra sức vươn xa để giúp đỡ đồng bào vùng khó khăn và cũng được đồng bào thương yêu, đùm bọc. Chúng tôi, 17 thành viên trong đội cũng chỉ như những con sóng nhỏ trong muôn ngàn con sóng đó làm công việc bồi đắp nên tình yêu thương đồng loại. Có thể, trong 17 ngày nhiều công việc còn dang dở nhưng chúng tôi nghĩ cái quan trọng đối với sinh viên chúng tôi khi đi tình nguyện, là đem chia sẻ lòng nhân ái giữa con người với con người là nhân đôi tình yêu đất nước bởi càng đi xa mới thấy đất nước ta đẹp vô cùng…

- Một sinh viên được phân công ở nhà để lo hậu cần cho cả tổ và đây là dịp để "Thâm nhập thực tế" toàn diện (Tiên Lữ - Hưng Yên - 2005)

 

 Nguyễn Minh - Ảnh: Bùi Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 173, tháng 7/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :