Thành ngữ là một đề tài quen thuộc được nghiên cứu khá kĩ trong giới Việt ngữ học nhưng nhìn nhận thành ngữ từ góc độ ngôn ngữ học nhân chủng thì luận án có thể coi là công trình đầu tiên, hoàn toàn mới. Do đó, luận án có ý nghĩa lý luận ở chỗ nhìn nhận đối tượng truyền thống từ một hướng nghiên cứu mới, hiện đại.
Luận án đã giới thiệu những khái niệm, định hướng cơ bản và phương pháp nghiên cứu trong ngôn ngữ học nhân chủng, chỉ rõ mối quan hệ giữa ngôn ngữ học nhân chủng với các phân ngành ngôn ngữ học khác trong cách tiếp cận và nghiên cứu ngôn ngữ. Đồng thời, trên cơ sở tổng kết các vấn đề liên quan đến thành ngữ, luận án chỉ rõ những vấn đề cần khảo sát, nghiên cứu thành ngữ từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng.
Luận án đã chứng minh mối quan hệ qua lại giữa thành ngữ và các đặc điểm của đời sống văn hóa xã hội của người Việt. Những kết quả nghiên cứu đó đã cho thấy tính cực đoan của giả thuyết Sapir – Whorf khi cho rằng ngôn ngữ có vai trò quyết định đối với việc hình thành tư duy của một cộng đồng dân tộc.
Nghiên cứu tính ẩn dụ của thành ngữ, luận án đã khảo sát các ý niệm nguồn và ý niệm đích, chứng minh tính phổ biến và tính riêng biệt của ý niệm nguồn và ý niệm đích, đồng thời, làm sáng vai trò quan trọng của các đặc điểm văn hóa dân tộc Việt, cách tư duy của người Việt đối với nghĩa biểu trưng của thành ngữ, qua đó giải thích mối quan hệ tương tác giữa các hiện tượng ngôn ngữ và các đặc trưng văn hóa xã hội của cộng đồng ngôn ngữ đó.