Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Tổ Văn phòng – Tư liệu Khoa Văn học
Đồng hành trên chặng đường 50 năm cùng các thầy cô giáo Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp, nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, không thể không nhắc tới những cán bộ tổ Văn phòng – Tư liệu, những người mà do đặc thù công việc đã trở thành những chiếc “máy cái” tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo sinh viên.

Giống như những con ong chăm chỉ chuyên cần, họ không hề vắng mặt cho dù chỉ một ngày trong tuần làm việc, trong khi các thầy, cô giáo khi nào có giờ dạy mới phải có mặt ở trường…

Tổ Văn phòng – Tư liệu cũng có một lịch sử hình thành và phát triển, lúc thăng lúc trầm cùng với sự hình thành phát triển 50 năm của Khoa Văn học. Đây là một đơn vị hết sức đặc biệt. Nó không khác gì một tổ cơ động, một thứ phiên chế hết sức tự do. Bởi vì, tham gia vận hành trong guồng máy này, có thời gian, không chỉ là những cán bộ hành chính thuần tuý. Nó còn gồm cả những cán bộ giảng dạy, thậm chí còn là “siêu” cán bộ giảng dạy. Tính đặc thù của tổ Văn phòng – Tư liệu là như thế.

Nhớ lại, ngay sau 1956, nghĩa là chỉ sau khi chính thức ra đời Khoa Ngữ Văn Tổng hợp, tách ra từ Sư phạm Văn Khoa, để điều hành công tác tư liệu văn phòng, Khoa phải giao cho chính các thầy cô giáo. Từ sau 1960, mới chính thức có riêng một tổ Tư liệu văn phòng. Lúc ấy, một cán bộ văn phòng gần như kiêm nhiệm tất cả mọi thứ công việc, giống như một ông “hiệu trưởng con”: hành chính, đào tạo, thậm chí cả “đối nội”, “đối ngoại”, rồi có lúc còn kiêm cả công việc của một thủ thư… đó là thầy Phan Trác Cảnh. Thế hệ những sinh viên Văn khoa từ Khoá 18 trở về trước, hẳn ít ai quên được gương mặt và phong cách làm việc của thầy giáo này. Dáng người tầm thước, phong thái đạo mạo, luôn có một cặp kính trên khuôn mặt, mặc dù, không trực tiếp đứng lớp, nhưng ông vẫn luôn được sinh viên gọi một cách trìu mến là Thầy. Nhiều học sinh mới vào trường thậm chí còn biết ông nhiều hơn cả các thầy cô giáo khác của Khoa Văn. Ông giải quyết tất cả mọi công việc, từ lập thời khóa biểu, điều hành giảng dạy, thi cử, vào điểm, cộng điểm… đôi lúc còn làm cả công việc giống như một cán bộ công đoàn, phân phối hàng căng tin. Nhiều công việc thế, nhưng ít khi ông cau có, phàn nàn. Bao giờ trên miệng ông cũng nở một nụ cười thân thiện.

Cũng những năm này, cùng tham gia sinh hoạt trong tổ Tư liệu văn phòng còn có hai thầy giáo, hai chuyên gia ngôn ngữ, mà ở trên chúng tôi gọi là những “siêu” cán bộ giảng dạy, đó là giáo sư Cao Xuân Hạo và giáo sư Phan Ngọc. Vì một lý do “tế nhị” nào đó, thời gian này, hai thầy thường xuyên có mặt ở Khoa để dịch tư liệu… Có một thời, phòng Tư liệu Khoa Ngữ Văn vô cùng tự hào vì đã có những tư liệu quý hiếm, thậm chí còn hơn cả thư viện Quốc gia, là nhờ vào công sức của hai thầy. Bên cạnh đó, phòng Tư liệu Khoa Văn cũng không bao giờ quên những gương mặt khác, đó là chị Lý Thục Trân, một Hoa Kiều, chuyên viết những văn bản Hán Nôm cho bộ môn Hán Nôm, mà về sau này đã tách riêng thành hẳn một chuyên ngành. Sau năm 1979 chị lặng lẽ rời khỏi Khoa mà đến tận bây giờ chúng tôi không ai biết được chị sống ra sao, ở đâu. Người thứ hai, gắn bó với công tác tư liệu còn có cô Nguyễn Kim Quý, người bạn đời phúc hậu, hiền lành của thầy Đỗ Hồng Chung. Cô được giao phụ trách Tư liệu ngay sau khi tốt nghiệp Khoa Văn và chung thủy với nó suốt nhiều năm. Cô không bao giờ để mất mát và thất lạc dù chỉ một văn bản tư liệu nhỏ nhất. Sau này nữa, phụ trách phòng Tư liệu còn có thầy Võ Đình Hường, cô Lê Kim Oanh và bây giờ là anh Bùi Văn Thái, một cử nhân ngôn ngữ và văn học Căm pu chia… Công tác Tư liệu bao giờ cũng được Khoa Văn chú ý đầu tư. Bởi lẽ đây là một môi trường hết sức quan trọng giúp các thầy cô giáo cập nhật kiến thức để làm nên những công trình nghiên cứu khoa học lừng lẫy một thời của họ. Phòng Tư liệu còn là nơi lưu trữ hàng trăm khóa luận, luận văn của sinh viên từ nhiều năm qua. Đây có thể coi là một thư viện chuyên ngành, mà nhờ đó sinh viên có cơ hội được kế thừa những thành tựu nghiên cứu khoa học của các anh chị khóa trước.

Cùng với sự phát triển chung của Khoa Văn học, còn có sự đóng góp lớn lao và âm thầm của bộ phận văn phòng, đào tạo, tài chính. Đó là 3 nữ nhân viên Nguyễn Thị Minh, Lê Kim Oanh và Nguyễn Thị Hương. Trước họ và là những người tiền nhiệm của họ, không thể không nhắc đến hai anh Lê Quốc Lập, bây giờ là giảng viên Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa và anh Đinh Văn Đức, về văn phòng Khoa Văn sau khi thầy Phan Trác Cảnh nghỉ hưu. Bây giờ, anh Đức đang ở một nơi rất xa, một bang của Hoa Kỳ. Rất yêu quý Khoa Văn, nhưng vì hoàn cảnh (phải hợp lý hóa gia đình, vợ và con đã định cư ở Hoa Kỳ trước đó) anh phải ra đi. Hàng năm, cứ đúng ngày 20-11, anh lại gọi điện về, lại gửi quà cho Khoa với lời nhắn nhủ, chắc chắn sẽ có ngày trở lại. Sau khi anh Đức đi, chị Lê Kim Oanh nối tiếp công việc đào tạo. Do đặc thù công việc, chị Oanh được học sinh biết đến nhiều hơn cả một số thầy cô giáo khác trong khoa cũng giống thầy Cảnh và anh Đức trước đây. Bên cạnh công việc đào tạo bộ phận Văn phòng còn có chị Nguyễn Thị Minh, một người chị rất hiền lành mà không ít thế hệ giáo viên và sinh viên giờ đây vẫn còn nhắc tới. Chị Minh tuy chậm chạp nhưng là một người rất chu đáo với tất cả các thầy cô giáo trong Khoa. Chị nghỉ hưu từ năm 2005. Đến bây giờ, thỉnh thoảng nhớ Khoa chị lại tạt lên văn phòng ngồi ở nơi trước đó chị đã từng ngồi, nhắc lại những kỷ niệm của một thời gian khó. Thay thế công việc của chị Minh bây giờ là chị Nguyễn Thị Hương duyên dáng, dịu dàng, về Khoa Văn từ đầu những năm 90 của thế kỉ trước. Chị Hương vốn là một giáo viên đến từ Nghệ An. Vì yêu chồng và yêu Khoa Văn mà chị đã đến đây. Do tính cẩn thận và kín đáo, chị được đặc trách giao công tác tài chính và văn phòng. Các thầy cô giáo trong Khoa thường gọi chị là người của “tay hòm chìa khóa”. Mọi việc tiền nong, hậu cần của Khoa đều qua tay chị….

50 năm đã trôi qua, tổ Tư liệu văn phòng ở tuổi 50 cũng không còn giống như trước. Bây giờ tổ đã được định hình gồm ba bộ phận tư liệu, đào tạo, văn phòng. Chỉ ba người nhưng phải phục vụ cho một cỗ máy vận hành gấp hàng chục lần 50 năm trước. Họ đồng hành cùng Khoa Văn học của tuổi 50, khó khăn vẫn còn rất nhiều, nhưng hy vọng về một sự phát triển vẫn luôn luôn lấp lánh ở phía trước.

 TVPTL - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   |