Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội, văn hiến, anh hùng, vì hòa bình” là hoạt động học thuật duy nhất, được Ban Chỉ đạo Nhà nước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội xác định là một trong những trọng tâm của 10 ngày cao điểm tiến tới đại lễ. Hội thảo diễn ra trong 3 ngày liên tiếp, từ 7 đến 9 tháng 10 năm 2010.
Bên cạnh mục tiêu kỷ niệm thủ đô tròn 1000 năm tuổi, Hội thảo còn là diễn đàn khoa học liên ngành cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế công bố, thảo luận những kết quả mới nhất từ những công trình nghiên cứu toàn diện về Hà Nội. Các chủ đề của 4 tiểu ban bao gồm các lĩnh vực từ địa lý - nhân văn, đến lịch sử, chính trị cùng các vấn đề về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cũng như khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường và quy hoạch, phát triển đô thị… Hội thảo là cơ hội quý báu để các nhà khoa học tập trung thảo luận và đề xuất những giải pháp nhằm phát huy các giá trị truyền thống của thủ đô, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thủ đô trong bối cảnh biến đổi toàn cầu hiện nay.
Do tầm quan trọng của Hội thảo, Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt và giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo công tác tổ chức sự kiện khoa học này. Đồng chí Tô Huy Rứa – UV Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã ký Quyết định giao cho Đại học Quốc gia làm đơn vị thường trực tổ chức Hội thảo. Đây là một vinh dự lớn đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề của Đại học Quốc gia Hà Nội. Là trung tâm đào tạo và nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao hàng đầu của đất nước, trong hơn một thập kỷ qua, bên cạnh các thành tựu nổi bật về đào tạo và nghiên cứu, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế lớn, tiêu biểu nhất là 3 kỳ Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học vào các năm 1998, 2004 và 2008. Đây chính là cơ sở để Ban Chỉ đạo Nhà nước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng này cho Đại học Quốc gia Hà Nội. Với tư cách là đơn vị thường trực, Giám đốc ĐHQGHN đã ký quyết định thành lập các tiểu ban Chuyên môn, do GS Nguyễn Quang Ngọc, UV Ban TC làm trưởng ban, Tiểu ban Lễ tân – Hậu cần do PGS Nguyễn Thị Việt Thanh, Ủy viên Ban Tổ chức làm Trưởng ban và Tiểu ban Thư ký do PGS.TS Vũ Văn Quân làm trưởng ban.
Từ nhiều tháng qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển và các tiểu ban đã khẩn trương triển khai kế hoạch tổ chức hội thảo. Với tư cách là Viện nghiên cứu hàng đầu của Đại học Quốc gia Hà Nội trong lĩnh vực khoa học Xã hội và Nhân văn, trong thời gian qua, song song với công tác tổ chức Hội thảo, Viện đồng thời gấp rút hoàn thành hàng loạt các đề án, đề tài nghiên cứu trong khuôn khổ chương trình xây dựng tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Theo tính toán sơ bộ, gần 40 trong tổng số hơn 100 đầu sách của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được biên soạn thông qua các đề án nghiên cứu của Viện, góp phần quan trọng và thiết thực trong việc chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ngày 17/9, tại ĐHQGHN đã diễn ra cuộc họp Ban chỉ đạo, Ban Tổ chức để đánh giá công tác chuẩn bị cho Hội thảo.
Tham dự và chỉ đạo cuộc họp có GS.TS Phùng Hữu Phú – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc ĐHQGHN, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Hội thảo, Trưởng Ban Tổ chức và ThS. Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo.
Cho đến nay công tác chuẩn bị cho Hội thảo cơ bản đã hoàn tất với sự phát huy tối đa ưu thế của ĐHQGHN - một cơ quan thuộc Chính phủ, một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của Việt Nam.
Hội thảo khoa học quốc tế về Hà Nội lần này có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, góp phần đánh giá, tôn vinh, phát huy những giá trị văn hóa và những truyền thống tốt đẹp của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Hội thảo sẽ thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy những giá trị cao đẹp của Thăng Long – Hà Nội, hướng tới xây dựng chiến lược phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh biến đổi toàn cầu hiện nay.
GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc ĐHQGHN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức hội thảo đã trình bày quá trình chuẩn bị cho hội thảo, đặc biệt là các công tác liên quan đến nội dung hội thảo, hợp tác quốc tế và lễ tân, hậu cần. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, hội thảo tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính: Lịch sử và Chính trị; Văn hóa; Kinh tế - xã hội và Điều kiện tự nhiên, Tài nguyên môi trường và Quản lý đô thị.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Trưởng tiểu ban chuyên môn, cho đến nay, Hội thảo đã nhận và biên tập được 144 báo cáo của các học giả trong nước và quốc tế. Dự kiến sẽ có hơn 80 báo cáo được tình bày tại phiên toàn thể và các tiểu ban. Đây là kết quả của một nỗ lực phi thường vì từ khi ĐHQGHN được giao nhiệm vụ thường trực đến nay mới chưa đầy 4 tháng.
PGS.TS Đào Duy Quát - Chuyên gia cao cấp Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban tổ chức hội thảo đã thông tin những nội dung liên quan đến kế hoạch tuyên truyền cho hội thảo.
Đại diện Thành phố Hà Nội, bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Chủ tịch UBND thành phố đã bày tỏ sự vui mừng trước các kết quả đạt được trong công tác tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về Hà Nội, đặc biệt ghi nhận những nỗ lực của Tiểu ban nội dung. Bà Ngô Thị Thanh Hằng đồng thời thông tin một số nội dung hoạt động diễn ra trong 10 ngày đại lễ và lưu ý Ban tổ chức hội thảo quan tâm về một số nội dung liên quan đến công tác an ninh, lễ tân,...
Kết luận buổi làm việc, GS.TS Phùng Hữu Phú đề nghị các tiểu ban rà soát kĩ mọi công việc liên quan đến Hội thảo. Ông đặc biệt đánh giá cao nỗ lực thực hiện các công tác chuẩn bị cho hội thảo của ĐHQGHN trong vai trò là thường trực Ban tổ chức. GS. Phùng Hữu Phú nhấn mạnh sở dĩ hội thảo thu hút sự quan tâm đặc biệt của học giả trong và ngoài nước là nhờ vai trò quan trọng đặc biệt của ĐHQGHN với vị trí là một cơ sở đào tạo – nghiên cứu khoa học uy tín, có kinh nghiệm tổ chức hội thảo khoa học và có quan hệ hợp tác quốc tế rộng lớn. GS.TS Phùng Hữu Phú đề nghị giải quyết dứt điểm một số nội dung còn vướng trong quá trình tổ chức hội thảo. Ông đặc biệt lưu ý sau khi công tác nội dung của hội thảo cơ bản đã hoàn tất, trong thời điểm hiện nay Ban tổ chức hội thảo cần dồn sức cho công tác lễ tân.
“Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình” nhằm làm sáng tỏ các giá trị, truyền thống tốt đẹp được kết tinh trong lịch sử phát triển 1000 năm qua của Thủ đô Hà Nội, trong đó, cốt lõi là các giá trị truyền thống văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, đặc biệt việc phát huy những giá trị, truyền thống đó trong thời đại Hồ Chí Minh.
Hội thảo khai mạc vào chiều ngày 7 tháng 10 năm 2010. Sau phiên khai mạc, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận tại 4 tiểu ban: “Lịch sử - Chính trị”, “Văn hóa”, “Kinh tế - Xã hội” và “Điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và quản lý đô thị”.
Với 144 báo cáo và 3 ngày thảo luận, Hội thảo không chỉ hứa hẹn làm sáng tỏ nhiều nội dung khoa học chuyên sâu, mà còn cung cấp những cơ sở và luận chứng để phát triển bền vững thủ đô Hà Nội trong thời gian tới. Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng trong 10 ngày cao điểm kỉ niệm 1000 năm Thăng Long.
|
GS.TSKH Vũ Minh Giang (áo trắng, giữa) cùng các thành viên Ban Tổ chức hội thảo duyệt bìa cho kỷ yếu Hội thảo |
BAN CHỈ ĐẠO HỘI THẢO:
1. GS.TS. Phùng Hữu Phú, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền - Trưởng ban,
2. GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Phó trưởng ban thường trực,
3. ThS. Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Phó trưởng ban,
4. GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Uỷ viên,
5. GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - Uỷ viên,
6. PGS.TS Đào Duy Quát, Chuyên gia cao cấp Ban Tuyên giáo Trung ương,
7. Đ/c Trần Bình Minh, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam - Ủy viên,
8. Đ/c Nguyễn Hoài Dương, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - Ủy viên,
9. Đ/c Hoàng Minh Nguyệt, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - Ủy viên.
BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO:
1. GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Trưởng ban;
2. PGS.TS. Đào Duy Quát, Chuyên gia cao cấp Ban Tuyên giáo Trung ương - Phó trưởng ban thường trực;
3. GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - Phó trưởng ban;
4. Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - Ủy viên;
5. GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội - Ủy viên;
6. PGS.TS. Phạm Hồng Tung, Phó trưởng ban Khoa học công nghệ Đại học quốc gia Hà Nội - Ủy viên;
7. PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh, Trưởng ban Chính trị và công tác học sinh sinh viên, Đại học quốc gia Hà Nội - Ủy viên;
8. PGS.TS. Vũ Đức Minh, Trưởng ban Kế hoạch tài chính, Đại học quốc gia Hà Nội - Ủy viên;
9. TS. Nguyễn Anh Thu, Trưởng ban Quan hệ quốc tế, Đại học quốc gia Hà Nội - Ủy viên;
10. PGS.TS Trần Đức Cường, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - Ủy viên;
11. TS. Bùi Thế Đức, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương - Uỷ viên;
12. Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - Uỷ viên;
13. Ông Đỗ Đình Hồng, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội - Uỷ viên;
14. Bà Hồ Thị Dung, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội - Uỷ viên;
15.ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương - Uỷ viên.
>>> Xem thêm thông tin về hội thảo tại đây
|