Chiều 12/12/2010, Hội thảo “Vai trò của đại học trong ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu” đã bế mạc sau hai ngày làm việc.
Hội thảo đã nghe gần 40 báo cáo đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ Malaysia, Thái Lan, Hồng Kong, Philipin, Indonesia, Việt Nam; các báo cáo đến từ IPCC, Đại học Liên hợp quốc cùng nhiều đại học trong khu vực.
Trong phiên bế mạc, hội thảo đã nghe nhiều ý kiến chia sẻ và đánh giá cao chủ đề và sáng kiến tổ chức hội thảo lần này như một diễn đàn quốc tế nói lên mối quan tâm chung của cộng đồng về BĐKH. Thành công quan trọng của Hội thảo lần này được ghi nhận là giúp kết nối và mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong cộng đồng các đại học khu vực Đông Nam Á; tìm ra được những cơ hội và triển vọng mới trong ứng phó với BĐKH; nhìn nhận đúng vai trò của đại học như lực lượng tiên phong trong sáng tạo và cung cấp tri thức, để ra giải pháp thích ứng thông minh.
GS. Vincent Barros - Đồng Giám đốc Working Group II, IPCC: Theo tôi biết thì Việt Nam là đất nước rất nhạy cảm và dễ tổn thương bởi biến đổi khí hậu vì đất nước này có nhiều vùng đất thấp dễ bị ảnh hưởng của nước biển dâng. Đồng thời các bạn cũng phải đối mặt với nhiều đổi thay khác như: số lượng dân số lớn và nạn tàn phá rừng trầm trọng. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Trong bối cảnh đó thì sáng kiến tổ chức hội thảo lần này của ĐHQGHN là rất tích cực. Đây là thời điểm mà tôi nhìn thấy được sự quan tâm đặc biệt của các bạn về biến đổi khí hậu. Tôi rất mừng vì các đại học ở Đông Nam Á đã hợp tác với nhau để thảo luận về biến đổi khí hậu và các kết quả đạt được của Hội thảo là rất khả quan.
GS. Vincent Barros
Vai trò của đại học là rất quan trọng trong ứng phó với BĐKH vì đây là nơi tạo ra kiến thức và quyết định xem các kiến thức ấy được áp dụng như thế nào và được giảng dạy ở đâu. BĐKH sẽ dẫn đến nhiều thay đổi về xã hội, do đó một vấn đề còn quan trọng hơn mà các đại học cần đặt ra cho mình là làm thế nào ứng phó với những thay đổi trong chính xã hội. Điều quan trọng là các nước đang phát triển cần ý thức rằng thế giới đang biến đổi rât nhanh. Thay đổi khí hậu chỉ là một trong nhiều thay đổi sẽ dẫn đến những thay đổi khác.
IPCC không có chức năng hỗ trợ các đại học, mà là cơ quan có nhiệm vụ đánh giá những nghiên cứu đang thực hiện. Chúng tôi rất vui và sẵn lòng hợp tác với ĐHQGHN để tổ chức nhiều hội thảo và diễn đàn quốc tế như hội thảo lần này, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác nữa. Hội thảo lần này và hội nghị về "Quản lý rủi ro các thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu" (SREX) tại Việt Nam do IPCC và ĐHQGHN phối hợp tổ chức vào tháng 3/2010 là những sự kiện mà tôi đặc biệt quan tâm và đánh giá cao.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ hội thảo này là cơ hội quan trọng cho ASAIHL trao đổi kinh nghiệm và mở rộng hợp tác không chỉ về BĐKH. Tôi cũng xin được cảm ơn ban tổ chức vì sự tổ chức chu đáo, nhiệt tình và thành công cho một hội thảo lớn như vậy.
TS. Srihantha Herath - Đại học Liên hợp quốc: Cảm ơn Ban Tổ chức vì đã tổ chức cuộc gặp mặt quan trọng này, giúp tôi gặp gỡ với nhiều đại diện các cơ quan nghiên cứu, biết được nhiều thông tin bổ ích về các công trình nghiên cứu về BĐKH đang được tiến hành trong khu vực.
TS. Srihantha Herath
Tôi có 3 ấn tượng rất sâu sắc về hội thảo lần này:
Một là sự quan tâm, lòng nhiệt tình của các bạn mong muốn được đóng góp sức mình giải quyết vấn đề đang rất nóng bỏng hiện nay của thế giới.
Hai là các bạn đã nhận ra nhu cầu và sự cần thiết của chính bản thân về ứng phó với BĐKH.
Ba, đây thật sự là cơ hội tốt để các đại học cùng gặp gỡ, làm việc chung với nhau, đặt ra nhiều vấn đề để cùng trao đổi. Điều đáng mừng là trong những thách thức, những tiêu cực được đặt ra, chúng ta còn nhìn thấy cả những cơ hội và triển vọng để cải thiện vấn đề.
Biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng hàng đầu mà tất cả chúng ta tại đây - những người đến từ nhiều nền văn hóa - cùng quan tâm để giải quyết. Và hội thảo lần này là cơ hội rất quan trọng để củng cố, sẻ chia suy nghĩ và đề ra giải pháp hợp tác về vấn đề này.
GS. Nils Roar Saelthun
GS. Nils Roar Saelthun - Đại học Oslo (Thụy Điển): Hội thảo là cơ hội tốt để giới khoa học, các đại học gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Các bạn đã chọn chủ đề rất hay và thích hợp, đó là “sự thích ứng thông minh” với BĐKH và vai trò của đại học. Bởi đây đúng là thời điểm chúng ta cần bàn xem mình phải làm gì để ứng phó, nhưng những ứng phó ấy phải trên cơ sở hướng tới sự phát triển bền vững và vì những mục tiêu lâu dài.
GS. Nobua Mimura - Đại học Ibaraki (Nhật Bản): Tôi cảm ơn những diễn giả đã có mặt và quan tâm tới cuộc gặp gỡ quan trọng này. Tôi rất ấn tượng với các đại học đã tham gia vào vấn đề quan trọng như BĐKH. Đây là vấn đề liên ngành và liên quan đến rất nhiều vấn đề phức tạp khác của kinh tế xã hội. Hội thảo đã tạo ra được bước ngoặt, những thay đổi lớn trong nhận thức và trong mối quan tâm chung của cộng đồng về BĐKH. Và đây cũng là xu hướng tất yếu của thế giới và cũng là điều mà tôi đã thấy trong cuộc họp này.
GS. Nobua Mimura
Chúng ta đã nhìn thấy sự thay đổi khí hậu trong tương lai, do đó chúng ta cần có thái độ tích cực, có đầu óc năng động, chủ động chứ không thụ động chờ đợi. Hãy coi đây là một thử thách để đoàn kết cộng đồng góp phần biến thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Những diễn đàn quốc tế lớn như thế này là một nơi rất quan trọng để trao đổi thông tin về các vấn đề chung của toàn câu. Xin cảm ơn Ban Tổ chức đã cho chúng tôi cơ hội tốt này.
GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN:
Hội thảo về BĐKH lần này quy tụ đông đảo các diễn giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau, đa dạng về chủ đề, đa dạng về các nguồn thông tin, đa dạng về tư tưởng và giải pháp, đặc biệt là sự đồng thuận về các giải pháp thông minh. Chúng ta ghi nhận những ý kiến phát biểu về chủ đề ứng phó với BĐKH của các nhà kinh tế, nhà quản lý nhân lực, kỹ thuật, nhà nghiên cứu …Chúng ta cũng đã nhận thấy và khẳng định vai trò của đại học trong ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu. Những bài học kinh nghiệm được chia sẻ tại đây sẽ được áp dụng ở các quốc gia trong khu vực. Hội thảo cũng là một bước quan trọng để tiến tới thành lập diễn đàn chung ở Việt Nam và khu vực về BĐKH; cũng là cơ hội kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, các quốc gia để để tiến hành các dự án nghiên cứu quy mô về BĐKH.