Cảm giác sắp được ra trường của các bạn sinh viên như thế nào đây? Dự định tương lai của họ là gì? Liệu họ có chung một suy nghĩ?
Cầm chắc tấm bằng đỏ trên tay nhưng rất nhiều sinh viên không biết sẽ “làm gì” vì không có hay có rất ít các công ty sử dụng chuyên môn của họ hoặc ít nhất họ không hứng thú với nghề mình vừa theo đuổi. Với những trường hợp có họ hàng đang đảm nhiệm một vị trí quan trọng nào đó trong xã hội thì tân cử nhân có một tâm lí khá thoải mái khi xin việc. Bởi từ lâu một quan niệm đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam là “một người làm quan cả họ được nhờ”. Việc họ sẽ làm việc ở cơ quan nào chỉ còn là vấn đề thời gian.
Còn những trường hợp “đơn thương độc mã”, “tự lực cánh sinh” thì sao? Cầm chắc trong tay tấm bằng loại giỏi, lại là thủ khoa nhưng Thu Hà vô cùng lo lắng. Sự lo lắng của cô không phải vấn đề gì khác ngoài “mối quan hệ” và “kinh phí dự tuyển”. Vì thế, mặc dù đã có một kết quả học tập đáng mơ ước nhưng Hà không khỏi “hoang mang” khi nghĩ về tương lai của mình. “Làm gì? Làm như thế nào?” vẫn luôn là câu hỏi thường trực trong tâm trí cô thủ khoa.
|
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Khi mới bước chân vào đại học, Hương (KP - Trường ĐHNN) luôn giữ cho mình một mục tiêu: Phải có cái bằng tốt nghiệp loại giỏi thì ra trường xin việc mới dễ. Thế là 4 năm miệt mài đèn sách, cô đã thoả mơ ước của mình. Nhưng chính lúc này, cô mới thấy lo. Cái lo thứ nhất là sau những tháng ngày đi gia sư và thực tập, cô không còn mấy hứng thú với nghề “gõ đầu trẻ” nữa. Mỗi lần hình dung đến việc đi dạy học cô thấy “ngại ngại thế nào ấy”! Cái lo thứ hai là hầu hết các công ty tuyển dụng cô tìm được đều yêu cầu phải biết sử dụng máy tính và tiếng Anh - ngoại ngữ thứ 2 vì cô tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Pháp. Nhưng ai biết thực trạng dạy ngoại ngữ hai ở một số trường đại học… ngoài sinh viên. Những tiết học tưởng chừng như có thể đem đến cho sinh viên một khả năng nghe nói ở mức độ kha khá thôi nhưng chúng tôi có thể đảm bảo rằng, phải có đến 70-80% sinh viên chỉ biết làm bài tập ngữ pháp (vì khi thi chỉ thi ngữ pháp thôi mà) còn lại hầu như mù tịt về từ vựng, nghe và nói. Chúng ta luôn đặt việc dạy giao tiếp lên hàng đầu trong dạy và học ngoại ngữ nhưng thực chất chúng ta đã làm được đến đâu? Như vậy trách sao được khi sinh viên luôn có những lo lắng về vấn đề ngoại ngữ khi xin việc!?
Vậy là hàng loạt những dự định trong thời gian chờ việc ra đời. Có bạn đủ điều kiện thì được tuyển thẳng lên học cao học để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, có người dự định đeo đuổi thêm một tấm bằng kinh tế hay quản trị kinh doanh, cũng có những bạn thì chấp nhận tiếp tục “xin viện trợ” bố mẹ vì nhất định muốn dành thời gian tìm được công việc theo đúng chuyên môn của mình. Điển hình hơn, Trung (ĐHNN), dù tốt nghiệp với tấm bằng ba chữ (TbKhá) nhưng cậu chàng chẳng hề lo lắng. Theo Trung thì “cái gì đến nó sẽ đến, xin được việc hay không là do số của mình rồi”. Vì thế “cứ bình tĩnh, lo làm gì cho già người cơ chứ”. Sự lạc quan của Trung đúng là rất cần thiết cho các bạn sinh viên năm cuối nhưng nếu cứ lạc quan quá, cứ “há miệng chờ sung” thì chắc chẳng bao giờ Trung sẽ tìm được việc.
|
Niềm vui ngày bảo vệ khóa luận |
Nhiều bạn sinh viên quan niệm “thà thất nghiệp còn hơn phải đi làm với mức lương vài ba trăm một tháng”. Trung bảo “lương dưới 1 triệu làm sao trụ được ở đất thủ đô cơ chứ” Nhưng đó là vì các bạn sinh viên ấy không biết rằng một sinh viên mới ra trường, dù có được tuyển vào làm thì lương thử việc cũng chỉ có ở mức ấy thôi. Riêng Thu (KA - Trường ĐHNN) lại có một suy nghĩ khác. Vì không muốn sống phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, cô dự định sẽ tiếp tục công việc gia sư, mặc dù mức lương chỉ đủ để đóng tiền nhà, trong thời gian tìm được một công việc ổn đinh. Công việc làm thêm sẽ cho Thu thêm nhiều kinh nghiệm sống và kinh nghiệm làm việc. Và đó là tiền đề để cô có thể hoàn thành tốt công việc mới sau này.
Chúng tôi được một thầy giáo dạy toán cấp 3 ở Hải Phòng tâm sự về vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Thầy đưa cho chúng tôi một tấm gương về một thầy giáo Toán có tiếng ở Hà Nội vô cùng thành đạt và nổi tiếng. Thầy giáo ấy tốt nghiệp Trường ĐHSP Hà Nội nhưng không xin được việc. Những tưởng thày sẽ từ bỏ nghề dạy học nhưng thầy vẫn tiếp tục đeo đuổi nó bằng nhiệt huyết của mình. Thầy đi dạy gia sư khắp nơi. Lâu dần thành quen, các gia đình có con gia sư nhận thấy con mình tiến bộ rõ rệt nên họ giới thiệu thầy cho các gia đình khác. Dần dần, thầy không phải lóc cóc đạp xe đi dạy nữa mà mở một lớp ôn tập cho học sinh. “Tiếng lành đồn xa”, hàng trăm lớp học sinh đã được đào tạo bởi thầy và rồi thầy được nhận vào dạy tại một trường có tiếng tại Hà Nội. Câu chuyện như cổ tích nhưng bài học rút ra là: mỗi bạn sinh viên khi ra trường đừng nên nản chí nếu như chưa có ngay được một công việc phù hợp. Hãy biết kiên trì và cố gắng, chắc chắn bạn sẽ đạt được điều mình mong muốn.
Sắp đến hè và một năm học mới sẽ đến thật nhanh, chúng tôi chúc cho các tân cử nhân sẽ sớm thành công trong sự nghiệp và luôn lạc quan với cuộc sống.
|