Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
XÁO ĐỘNG MÙA THI
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 7, đi đến đâu cũng thấy mọi người nói về việc thi cử, tuyển sinh, nhập học. Năm nay cũng không ngoại lệ, không khí thi cử tràn ngập mọi nẻo. Các sĩ tử từ khắp các miền quê lại đổ về thành phố. Cuộc sống lại thêm một lần xao động.

Xáo động cả phố lẫn quê

Những ngày đầu tháng 7, Hà Nội càng trở nên chật chội, bức bối hơn khi hàng trăm nghìn sĩ tử đổ về đây để tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học. Dẫu kỳ thi đầu diễn ra trong các ngày cuối tuần và một ngày đầu tuần dẫu các trường đóng trên địa bàn đang trong thời gian nghỉ hè song đường phố vẫn đông nghẹt, việc tham gia giao thông là hết sức khó khăn.

Chỉ có một bộ phận rất nhỏ dân tỉnh ngoài thạo đường Hà Nội, còn đa phần các thí sinh và người nhà đều rất lo lắng cho việc tắc đường, tìm địa điểm thi và nơi ăn chốn ở.

Quan niệm của các gia đình Việt Nam hiện nay là con 18 tuổi vẫn chưa thể tự lập nên việc một thí sinh đi thi đại học đồng nghĩa có thêm một vài người nhà cùng tham gia đưa, đón. Tâm lý chung của mọi gia đình có con tham dự kì thi đại học là ngóng chờ thông tin, phấp phỏng lo âu. Chi phí cho việc di chuyển từ quê lên thành phố và chi phí cho những ngày tham dự kỳ tuyển sinh tại Hà Nội cho 2 người khiến không ít gia đình khốn khổ.

Chỉ tính riêng chi phí thuê phòng trọ, với giá trung bình khoảng 300 nghìn đồng/ người trên đợt thi cộng thêm tiền ăn khoảng 20 nghìn đồng/ bữa và tiền đi lại khiến không ít gia đình ở nông thôn phải chạy vạy, thu vén trong một thời gian dài.

Nhiều người cho rằng các thí sinh tỉnh xa có vô vàn cơ hội tìm chỗ trọ miễn phí và phòng trọ giá rẻ ở các khu ký túc xá của các trường đại học. Nhưng thực tế cho thấy, những người nghèo nhất là những người ít có cơ hội tiếp xúc với thông tin trên Interrnet và ít cởi mở trong giao tiếp nên hầu như không có cơ hội tìm phòng trọ giá rẻ.

Với tâm lý lo lắng con muộn thi khiến không ít phụ huynh “nghiến răng” thuê phòng trọ gần địa điểm thi với giá cắt cổ. Bà Trần Thị Hương (Lai Châu) đã thuê phòng trọ tại nhà dân sát điểm thi của con với mức giá 600 nghìn đồng/đợt thi/người. Bà Hương chấp nhận mức giá này với lý do là phòng có điều hòa và đầy đủ nước sinh hoạt để 2 mẹ con sử dụng trong những ngày con thi. “Đã cố cho con 12 năm rồi bây giờ cố thêm một chút cho con cũng là điều bình thường. Cả gia đình chỉ mong muốn cháu thi đỗ đại học thôi, tiền không phải là vấn đề quá lớn” – bà Hương chia sẻ. Đây cũng là tâm lý chung của các phụ huynh và của các sĩ tử nói chung.

Hướng dẫn giao thông trong những khu vực đang xây dựng là một việc “thường ngày” của SVTN

Một sinh viên ĐHQGHN hoạt động tình nguyện khu vực Thanh Xuân cho biết: “Mặc dù đội tình nguyện của bọn em có nhiều thông tin về nhà trọ giá rẻ và thông tin về các tuyến xe buýt để tiết kiệm chi phí song việc thông tin cho sĩ tử gặp nhiều khó khăn. Có một bộ phận người dân hám lợi, muốn thu được nhiều tiền trong đợt này nên tìm mọi cách, thậm chí dọa dẫm nếu bọn em thông tin về nhà trọ giá rẻ tới thí sinh”. Bạn Nguyễn Văn Sơn và các bạn trong đội tình nguyện của Trường ĐHKHTN hoạt động tại địa bàn Thanh Xuân Nam cho biết: Trong những ngày hoạt động tại địa bàn, các bạn đã thông tin để một số sĩ tử được trọ miễn phí tại nhà dân. Bạn chia sẻ trong địa bàn đội hoạt động có không ít người dân tốt, thân thiện và chia sẻ khó khăn với tình nguyện viên. Các bạn trong đội khi đi ăn cơm bình dân tại quán cũng được giảm giá. “Trong khi thí sinh và người nhà không thể mua nổi một suất cơm dưới giá 25 nghìn đồng thì cả đội bọn em ăn cơm đồng hạng giá 15 nghìn đồng/suất. Suất cơm đủ dinh dưỡng cho bọn em hoạt động và đến hết buổi thi” – Đinh Minh Trang, sinh viên Khoa Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học thông tin thêm.

Tình nguyện viên làm việc thiện

Tháng thi đại học là tháng cao điểm trong hoạt động của sinh viên tình nguyện. Cùng với các đội tình nguyện tại địa phương với các hoạt động như dạy tin học, tiếng Anh, phổ biến kiến thức cho người dân vùng sâu, vùng xa, hoạt động của đội tình nguyện tiếp sức mùa thi để lại ấn tượng tốt trong lòng người dân. Bác Đinh Thanh Hải (phường Hạ Đình) nhận xét: “Các sinh viên Trường ĐHKHTN làm việc tích cực lắm. Mấy chục sinh viên đã hối hả san lấp đường đi vào trường này đây”.

SV Nguyễn Thanh Tuấn Anh

Khác với các đội bạn khi tham gia tình nguyện trong đợt 1 năm nay, thành viên nhóm tại Trường Tiểu học Hạ Đình có một kỉ niệm đáng nhớ. Nguyễn Thanh Tuấn Anh – sinh viên Khoa Địa chất – Đội trưởng cho biết: “Ngày 30/6/2010, các đội tình nguyện của Trường ĐHKHTN đồng loạt ra quân. Bọn em chia nhau đến các nhà ga, bến xe, địa điểm thi và phối hợp với lực lượng chức năng điều phối giao thông. Khi khảo sát tại địa bàn, đội em thấy đường xá còn chưa thuận lợi cho thí sinh. Bốn chiếc máy ủi cản trở lối vào khu vực thi, cống và đường lấy lội bùn đất do khu vực này đang thi công. Cùng với việc báo cáo tình hình với Ban Giám hiệu, các thành viên trong đội đã cùng nhau san lấp và lát gạch để làm đường đi vào khu vực thi. Mọi công việc hoàn tất trong ngày 1/7 và đến ngày mùng 2/7, thí sinh có thể dễ dàng di chuyển vào khu vực thi để làm thủ tục”.

Đội SVTN tại khu vực phường Thượng Đình

Khi trả lời câu hỏi vì sao các bạn tham gia tiếp sức mùa thi, Đặng Văn Tùng, Hoàng Thị Thu Hà, Lầu Mai Trang cùng các thành viên trong đội tình nguyện của Trường ĐHKHTN tại Trường Tiểu học Hạ Đình chia sẻ: “Ân tượng đẹp về những giúp đỡ của các anh chị sinh viên tình nguyện trước đây khi chúng em tham gia kì thi đại học rất khó phai. Bước chân vào giảng đường đại học, bọn em chỉ mong muốn được đi tình nguyện. Bây giờ thì thỏa nguyện rồi”.

Tôi và mấy anh chị đồng nghiệp đã tranh luận về một việc trong mơ là làm thế nào để giao thông không tắc và bà con vùng xa bớt khổ trong mùa thi (?!), ai cũng cho rằng một xã hội trọng bằng cấp thì việc thi cử khó chấm dứt lắm. Người dân sẽ còn khổ dài dài mỗi khi hè đến. Còn thi cử ở phố là còn xáo động ở thôn quê, là còn cảnh nụ cười thì ít, nước mắt thì nhiều

 Đỗ Ngọc Diệp - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :