Thông điệp chủ đạo của các nhóm là thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường phát triển du lịch sinh thái; giáo dục ý thức người dân, khách du lịch về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và tăng cường thực thi pháp luật...
Nhiều nhóm thể hiện bài thuyết trình rất sinh động như đọc rap, hô khẩu hiệu bảo vệ môi trường; đóng vai nông dân trồng lúa, hoa màu kiên quyết không sử dụng thuốc trừ sâu, thay vào đó sử dụng phân hữu cơ; giả định làm một kênh truyền hình tivi phỏng vấn chuyên gia, người dân về các vấn đề môi trường và đa dạng sinh học…
Nhóm sinh viên thuyết trình về các ý tưởng bảo vệ môi trường và tính đa dạng sinh học
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Takuya Okada – Người sáng lập Quỹ Môi trường AEON đánh giá cao và cảm ơn ĐHQGHN đã chủ trì diễn đàn lần này. Ông tin rằng qua chương trình các em sinh viên có được những trải nghiệm quý báu về đa dạng sinh học cũng như bảo tồn đa dạng sinh học. Chủ tịch Takuya Okada mong các em sinh viên ngày càng nỗ lực, cố gắng phấn đấu trở thành những nhà lãnh đạo, nhà chính sách về môi trường trong tương lai, góp phần “xanh hoá” môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững cho từng quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Phan Thanh Hà – sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN chia sẻ: “Từ bài thuyết giảng của các thầy cô cũng như trải nghiệm thực tế ở các thành phố Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, em hiểu được nhiều hơn về những vấn đề liên quan đến đa dạng sinh học ở nước ta hiện nay. Thực sự, bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên quốc gia là không dễ dàng, nhưng làm sao để cân bằng giữa việc bảo tồn và khai thác nhằm phát triển nền kinh tế lại càng khó khăn hơn, nhất là đối với nước đang phát triển như Việt Nam. Không chỉ vậy, chương trình cũng tôi luyện thêm cho em kĩ năng làm việc nhóm với các sinh viên quốc tế; giao lưu, học hỏi ngôn ngữ, văn hoá của các nước….”
Sinh viên Fujiwara Srividya Hasumi - ĐH Waseda (Nhật Bản) cho rằng các bạn trẻ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường vì nhiều người trong số họ sẽ giữ vai trò lãnh đạo trong tương lai. “Theo em, để giới trẻ quan tâm đến môi trường thì điều quan trọng nhất là họ cần được giáo dục về môi trường. Hãy chỉ cho các bạn trẻ thấy sức mạnh của môi trường và những thứ tốt đẹp mà một môi trường trong sạch đem lại cho cuộc sống con người”, Fujiwara Srividya Hasumi chia sẻ.
Lần đầu tiên tham gia chương trình, em Wan Muda Wan Ahmad Fauzi - ĐH Malaya (Malaysia) và Li Zhao - ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) đều cho rằng qua Diễn đàn Sinh viên Châu Á về Môi trường đã giúp các sinh viên nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng cũng như thực trạng môi trường, từ đó cùng nhau thảo luận và lắng nghe những quan điểm, giải pháp cho các vấn đề môi trường hiện nay như biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, ô nhiễm nguồn nước… Ngoài ra, qua chương trình này, các bạn sinh viên có cơ hội học hỏi, giao lưu văn hoá, ngôn ngữ. Wan Muda Wan Ahmad Fauzi cho biết:“Em thật sự ấn tượng với sinh viên ĐHQGHN trước sự thân thiện, nhiệt tình và thông minh của các bạn. Qua chia sẻ, qua thảo luận với sinh viên các nước, em học được những bài học kinh nghiệm hay và có thể áp dụng đối với Malaysia”.
Tại lễ bế mạc, ban giám khảo đã trao giải đặc biệt cho mô hình AEC (Raising Awareness - nâng cao nhận thức), của nhóm 6 sinh viên Fukai Miki (ĐH Waseda), Kwon Ji-hae (ĐH Hàn Quốc), Zulkifli Muhammad Haikal (ĐH Malaya), Phạm Thị Thu Hà (ĐHQGHN), Yu Shuo (ĐH Thanh Hoa) và Loek Sreyleak (ĐH Hoàng gia Phnom Penh).
|