Dữ liệu, thông tin và tri thức đều có vai trò trong các hệ thống thông tin. Những yêu cầu về xử lí dữ liệu hầu như đã được giải quyết căn bản. Các dữ liệu phức tạp như (i) dữ liệu phân tán; (ii) dữ liệu hướng đối tượng; (iii) tri thức đã được xử lí trong các hệ thống cơ sở dữ liệu tiên tiến. Dữ liệu phức tạp như đa phương tiện và đa hình thái cũng được đề cập trong cơ sở dữ liệu đa phương tiện. Tuy nhiên tri thức chưa được xử lí hoàn toàn trong cơ sở dữ liệu suy diễn, mà cần được quan tâm theo nhiều góc độ khác nhau trong hệ thống. Các chủ đề dẫn đến nội dung của tài liệu Tài liệu nhằm giới thiệu về công việc phức tạp nhưng có tính thời sự trong công nghệ thông tin và truyền thông; đó là việc quản trị các tri thức trong các hệ thống. Mục đích trước hết của tài liệu là cung cấp kiến thức cho học viên ngành Máy tính và khoa học thông tin. Tuy nhiên,sinh viên ngành khác cũng có thể tham khảo khi học các môn liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Các chương của tài liệu Từ những năm 60 của thế kỉ XX, dữ liệu được chú ý và hình thành khoa học về cơ sở dữ liệu, với hệ quản trị tệp vào năm 1958 sử dụng ngôn ngữ lập trình cấp cao Fortran. Các mô hình dữ liệu đã cho phép xây dựng các cơ sở dữ liệu phân cấp, mạng, quan hệ. Viết về các cơ sở dữ liệu đã có các tài liệu về hệ thống cơ sở dữ liệu. Từ năm 1956, khoa học về trí tuệ nhân tạo đã đặt ra nhu cầu về tri thức và xử lí tri thức. Nhiều hệ thống sử dụng tri thức như hệ chuyên gia đã được ứng dụng, chủ yếu trong y tế. Năm 1980 đã có cơ sở dữ liệu suy diễn, với mục đích xử lí cả dữ liệu lẫn tri thức, với quá trình xử lí tri thức sử dụng lập luận suy diễn. Từ khi có khái niệm về kinh tế tri thức vào năm 1964, xuất hiện nhu cầu về các hệ thống quản trị tri thức. Hệ thống quản trị tri thức đáp ứng việc xử lí tri thức và ứng dụng tri thức như con người đã quản trị dữ liệu trong các hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu. Vậy tài liệu này đã đi theo dòng (i) xử lí dữ liệu; (ii) dữ liệu và thông tin trong hệ thống thông tin; (iii) tri thức và lập luận; hội tụ về (iv) quản trị tri thức. Quản trị tri thức có thể xem như một phần trong cách mạng công nghiệp1 lần thứ tư hay không, nhưng trước nhu cầu của (i) xử lí dữ liệu nâng cao; (ii) xử lí tri thức, không thể không đề cập đến nó. Tài liệu trình bày các vấn đề liên quan đến hệ thống quản trị tri thức trong nhiều chương. Các chương về công nghệ tri thức, Chương 3, Chương 9 và Chương 10, mang nội dung tương đối độc lập; có thể trình bày riêng các chương này như một chủ đề liên quan đến quản trị tri thức. Hình vẽ cho thấy tổng thể các chương trong tài liệu. Như chú thích trong hình vẽ, các chương trong tài liệu có thể được trình bày như môn học cho học viên cao học, về:
• Khía cạnh lí thuyết của quản trị tri thức, gồm (i) chương 1 về dữ liệu, thông tin và tri thức; (ii) chương 2 về quá trình và hệ thống quản trị tri thức; (iii) chương 4 về mô hình quản trị tri thức; • Công nghệ tri thức, gồm (i) chương 3 về công nghệ thông tin; ii) chương 9 về các điển hình về thực hành quản trị tri thức; (iii) chương 10 về khía cạnh tác động đến quản trị tri thức; • Chi tiết về quản trị tri thức, gồm (i) chương 5 về hệ thống sử dụng tri thức; (ii) chương 6 về hệ thống nắm bắt tri thức; (iii) chương 7 về hệ thống chia sẻ tri thức; và (iv) chương 8 về hệ thống khám phá tri thức. Nội dung tài liệu chưa trình bày sâu và cụ thể về hệ thống lien quan đến tri thức, trừ chương 4 về các mô hình quản trị tri thức và hai chương cuối đề cập các trường hợp cụ thể về quản trị tri thức. Do vậy tài liệu có thể lấy nhan đề là Việc quản lí tri thức. Thuật ngữ quản trị1 sử dụng trong cụm quản trị tri thức, có nghĩa là (i) quản lí với nghĩa rộng; (ii) quản trị với nghĩa hẹp, cụ thể. Tuy nhiên, trong khoa học về dữ liệu, các tài liệu quen sử dụng thuật ngữ quản trị dữ liệu2, hệ quản trị cơ sở dữ liệu3, nên trong phiên bản đầu tiên của tài liệu, xin lấy nhan đề là Hệ quản trị tri thức4. Về hình thức tài liệu, (i) các hình vẽ được đánh số theo các chương; (ii) các định nghĩa không đánh số theo chương, mà xếp tuần tự. Các định nghĩa được nêu ra nhằm khẳng định tính độc lập của khái niệm liên quan trong hệ thống tri thức; tuy tính chính xác về nguồn tư liệu chưa hoàn toàn thỏa đáng, nhưng chúng nên được nêu ra bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Các tài liệu tham khảo cho nội dung của các chương được đặt tại cuối tài liệu.
|