1- Kĩ năng học tập trên lớp:
Trung bình một sinh viên có khoảng 4-5 tiếng học trên lớp mỗi ngày. Tận dụng tốt khoảng thời gian này nghĩa là bạn đã tiết kiệm được quĩ thời gian trong ngày, nâng cao hiệu quả học tập. Vậy làm thế nào để việc học trên lớp của chúng ta là thực sự bổ ích? Sau đây, chúng tôi xin đưa ra một vài kinh nghiệm:
Nghe giảng:
Nghe giảng sao cho tập trung để nắm được bài ngay trên lớp không phải là một việc đơn giản và dễ dàng. Hơn nữa, việc tập trung được hay không đôi khi còn phụ thuộc vào thầy giáo, bài giảng, hay các nguyên nhân chủ quan khác. Chỉ có cách là bạn phải luyện tập, tránh để bản thân bị phân tâm. Tốt nhất bạn nên chọn một vị trí gần thầy cô, vừa có thể nghe rõ hơn, vừa ít có khả năng nói chuyện. Người ngồi cạnh cũng khá quan trọng đấy. Bạn thử nghĩ xem liệu bạn có thể tập trung khi ngồi cạnh một người lúc nào cũng luôn miệng, mà toàn những chuyện đâu đâu, không liên quan gì tới bài giảng? Một kinh nghiệm nữa là đôi khi việc phát biểu hay đặt câu hỏi cho thầy cô giáo cũng là một cách khiến chúng ta tập trung hơn. Thỉnh thoảng bạn cũng gặp những tình huống thật sự trớ trêu như là: bạn giơ tay phát biểu nhưng đến khi đứng dậy lại quên mất cần nói gì. Tốt nhất là hãy ghi chúng, những câu nhận xét hay phát biểu vào một tờ giấy trước khi phát biểu. Các bạn cũng nên lưu ý một điều là đôi khi có khoảng cách nhất định trong khi tiếp cận một vấn đề giữa thầy cô và chúng ta, nên hãy luôn cố gắng hiểu các thầy cô để việc tiếp thu kiến thức được là tốt nhất. Ngồi học tập trung sau 40-45 phút, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy mệt, đừng quên thư giãn bằng cách đi dạo ở sân trường hay tán gẫu những câu chuyện vui với bạn bè trong giờ nghỉ nhé.
Ghi chép:
Ghi chép là công việc bạn không thể bỏ qua hay làm hời hợt cho xong. Chúng ta giờ đã là sinh viên đại học, không phải là học sinh cấp 4, sẽ không thể có chuyện các thầy cô giáo đọc cho chúng ta chép mọi thứ giống như ở phổ thông. Vậy làm thế nào để có thể ghi chép được những gì cần thiết và hữu ích nhất? Thứ nhất, đương nhiên chúng ta cần viết nhanh hơn, dùng nhiều kí tự viết tắt hơn. Thứ hai, chúng ta không cần phải ghi chép tất cả những gì thầy cô nói. Thường thì tất cả những định nghĩa, khái niệm, cách chứng minh... đều đã có trong giáo trình. Hãy dành thời gian đó để nghe thầy cô giải thích kĩ hơn về chúng. Ta chỉ cần ghi chú xem chúng ở phần nào trong giáo trình hay tốt nhất là đánh dấu luôn vào sách (chú ý là chỉ áp dụng với sách của bạn thôi đấy). Chúng ta chỉ ghi chép những gì mà ta chưa biết, những điều ta cho là quan trọng hoặc sách không có mà thôi. Làm như vậy thì bạn đã giảm được đáng kể những điều cần ghi chép rồi.
Ngoài ra, còn rất nhiều những phương pháp bổ trợ khác. Bạn có thể “hợp tác” với một người bạn cùng lớp. Rất có thể vào một lúc đãng trí nào đó, bạn bỏ sót một chi tiết quan trọng trong bài giảng của thầy cô. Vở của người bạn học sẽ là một tài liệu hữu ích. Tất nhiên người bạn của bạn lúc đó phải tập trung nghe giảng (việc chọn bạn học cùng trên lớp cũng khá quan trọng đấy). Một cách khác là bạn có thể mang theo máy ghi âm, nhất là trong giờ tiếng Anh, vì không phải lúc nào bạn cũng nghe kịp những gì thầy cô giáo nói.
Cuối cùng, nếu bạn thực sự không thể tiếp thu được bài trên lớp (bạn ngồi bàn cuối, ở một vị trí không thuận lợi, hay bạn có chút việc bận nào đó), bạn nên xin thầy cô một bảng tóm tắt nội dung bài giảng, hoặc hỏi xem liệu có cách nhận bài giảng bằng các phương tiện khác không. Chắc chắn các thầy cô sẽ có những lời khuyên và những sự giúp đỡ thật phù hợp với trường hợp của bạn đấy
2- Kĩ năng học ở nhà:
Không chỉ học tốt trên lớp, học tập ở nhà sao cho hiệu quả cũng hết sức quan trọng. Học đại học là phải tự học. Để học ở nhà có hiệu quả, việc đầu tiên bạn cần tìm một chỗ yên tĩnh, tránh tiếng ồn của các thành viên khác trong gia đình, hoặc chó mèo, TV, điện thoại, nhạc... Nếu nhà chật, bạn có thể tìm một chỗ trong thư viện hay nhà hàng xóm... Bản thân tôi đã từng học trong công viên. Rất dễ chịu và hiệu quả đấy! Ngoài ra, headphone có thể giúp tránh tiếng ồn và tập trung hơn (đây là kinh nghiệm của một số bạn sống và học tập trong Kí túc xá). Tiếp theo, bạn nên có một thời gian học cố định và tạo cho mình thói quen học vào thời gian đó. Đó sẽ là lúc bạn học hiệu quả nhất đấy.
Muốn nghiên cứu khoa học tốt
trước hết phải học giỏi |
Ngoài ra, bạn nên có một lịch học thật hợp lí, kết hợp giữa học tập và giải trí. Bạn nên giải trí một chút sau 45-60’ học tập trung. Có thể là một bài tập thể dục nhẹ nhàng, một vài bản nhạc... điều đó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Hơn nữa, theo kinh nghiệm của bản thân tôi, khi gặp phải những phần khó hiểu, tôi thường để lại, học những phần khác dễ hiểu hơn, hoặc phần tôi thích, hoặc nghỉ ngơi thư giãn một lúc, đợi đến lúc thoải mái hơn sẽ học tiếp.
3- Để ghi nhớ tốt hơn:
Có một trí nhớ tốt, bạn sẽ ghi nhớ tốt. Nhưng không phải ai cũng có một trí nhớ tốt, để có thể đọc một lần là nhớ ngay đâu. Có rất nhiều cách để khắc phục nếu bạn là một người hay đãng trí. Đầu tiên, bạn hãy tạo cho mình những thói quen. Ví dụ, trước khi đến trường, bạn kiểm tra sách vở, dụng cụ theo cùng một cách giống nhau qua các ngày; giữ các bài, tài liệu ở một ngăn của cặp sách. Điều đó không chỉ giúp bạn không bị quên mà thậm chí còn tiết kiệm thời gian vì bạn không mất thời gian để suy nghĩ. Các bạn cũng nên ghi danh sách các việc cần làm vào một tờ giấy nhỏ và thỉnh thoảng kiểm tra xem tiếp theo mình cần phải làm gì.
Ghi nhớ tốt sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tiếp thu kiến thức. Cùng bạn bè thảo luận về một vần đề mà các bạn đều quan tâm là một cách ghi nhớ tốt. Ngoài ra, tập ghi nhớ qua các chi tiết quan trọng, các key words, các hình ảnh minh hoạ cũng không phải là một giải pháp tồi. Đôi khi các bạn nên tìm cách xâu chuỗi các vấn đề lại với nhau. Điều đó sẽ tạo cho bạn sự hứng thú và sẽ tăng cường khả năng ghi nhớ của bạn. Các bạn có nhớ toà tháp đôi WTC bị khủng bố hôm nào không? Đó là ngày 11 tháng 9. Nếu các bạn để ý thì ngược lại của 11.9 là 911 lại là số điện thoại khẩn cấp ở Mỹ đấy. Và 11.09 cũng là ngày sinh của tổng bí thư Nông Đức Mạnh đáng kính của chúng ta. Rất thú vị và dễ ghi nhớ phải không các bạn.
4- Kĩ năng đọc sách:
Đọc sách là một kĩ năng không thể thiếu bởi vì như các bạn biết học đại học, chúng ta sẽ phải đọc rất nhiều. Vậy làm thể nào để trong thời gian ngắn nhất, bạn có thể đọc và tiếp thu được một khối lượng kiến thức không nhỏ được đề cập trong các cuốn sách.
Tương đối khó phải không các bạn, ngay cả khi đó là vấn đề mình yêu thích đi nữa, huống hồ lại toàn những thứ thật là rắc rối, khó hiểu. Thậm chí đôi khi chúng ta còn không biết quyển nào là thực sự cần thiết với bản thân mình nữa. Vậy chúng ta phải làm thế nào?
Đầu tiên, bạn phải chọn một khối lượng vừa đủ để bắt đầu, cố gắng nắm được cách bố trí, hệ thống của tư liệu bằng cách lướt qua tư liệu để tìm: tựa đề, đề mục chính, đề mục phụ, câu chủ đoạn để biết được nội dung tổng quát, đặc biệt chú ý các biểu đồ, đồ thị và sơ đồ. Nếu có phần tóm lược ở trước và sau tư liệu, hãy thử đọc nó. Sau đó, đọc những gì bạn hiểu rõ nhất để xác định độ khó, chừa lại những gì không hiểu. Khi đã có một ấn tượng nhất định về quyển sách bạn đang cầm trên tay, nếu thấy thực sự cần thiết hãy đọc cho đến hết (đôi khi một số quyển sách có nội dung khá giống nhau, hãy chọn quyển sách đầy đủ nhất, nếu còn thời gian mới đọc những quyển còn lại để bổ sung thông tin). Đừng nản chí, nếu không hiểu, chúng tôi tin càng đọc bạn sẽ càng sáng ra. Trong khi đọc, thỉnh thoảng dừng đọc và đặt những câu hỏi kích thích cho việc đọc và tự đi tìm câu trả lời (đây là phương pháp “nhìn ra nơi khác”). Hãy tìm những mối liên hệ, không phải để ghi nhớ mà chỉ đơn giản là để hiểu. Sau khi đọc xong, suy ngẫm lại những gì đã học được, và đọc lại những chỗ chưa hiểu. Bạn nên dùng bút đánh dấu những chỗ quan trọng hay chưa hiểu để có thể xem lại (đôi khi bạn sẽ tìm thấy lời giải cho những vấn đề chưa hiểu trong một quyển sách khác đấy). Bây giờ, bạn cần sắp xếp chúng lại, chú ý đến mối liên hệ giữa các thông tin. Đừng chỉ dùng từ ngữ mà hãy dùng cả kí hiệu, hình ảnh minh hoạ, màu sắc, thậm chí cả chuyển động để hình dung và hệ thống ý. Hãy dùng bất cứ phương pháp nào có thể. Bạn cũng nên có một cuốn sổ tay để chép lại một cách có hệ thống những gì bạn thấy hay và cần thiết vào đó.
Nếu mọi việc diễn ra được như trên thì quả thật là quá hoàn hảo. Thực tế đôi khi, bạn đọc mãi vẫn ko thể hiểu, dù chỉ 50% thì làm sao đây? Đừng nổi cáu! Hãy xếp sách lại để hôm sau đọc tiếp. Bạn có biết không, ngay cả lúc ngủ thì não của con người vẫn làm việc đấy, não bộ vẫn tiếp tục phân tích và ghi nhớ lại những thông tin mà chúng ta vừa tiếp nhận. Hôm sau đọc lại mà bạn vẫn chưa hiểu, thì giải pháp tốt nhất là hãy tìm đến bạn bè hoặc thầy cô.
Một vần đề cũng khá quan trọng đó là tốc độ đọc sách. Tôi xin đưa ra cho các bạn vài số liệu thống kê thú vị. Người bình thường đọc với tốc độ 200-300 từ một phút. Sinh viên đại học thường đọc ở tốc độ 350 từ một phút. Người học sau đại học có thể đọc từ 400-450 từ một phút. Ngoài ra, cứ 1000 người có 1 người đọc ở tốc độ 800 từ một phút, và 10000 người có 1 người đọc đươc 1000 từ một phút. Trong quá khứ đã có người đọc được 18600 từ trong một phút (tức là đọc quyển “War and Peace” trong 15’). Rõ ràng, bạn đọc càng nhanh thì lượng thông tin bạn nhận được sẽ càng nhiều. Ngoài việc “luyện đọc” thường xuyên, bạn nên tạo cho mình những điều kiện tốt nhất để việc đọc thực sự có hiệu quả.
+ Chọn nơi đọc sách: nên gần cửa sổ vì ánh sáng mặt trời là thích hợp nhất, vì vừa đủ sáng để bảo vệ mắt, vừa không quá sáng như ánh đèn bàn. Ánh đèn bàn hơi sáng quá khiến mắt bạn hơi nheo lại làm giảm tốc độ đọc sách. Điều quan trọng là đây nên là một nơi yên tĩnh.
+ Loại sách đọc: mỗi loại tài liệu cho bạn một tốc độ đọc nhất định. Đọc một quyển tiểu thuyết lôi cuốn sẽ nhanh hơn một quyển sách hoá học hay sinh vật. Sách viết cũng tuỳ loại với chất lượng khác nhau, do đó mức độ khó hiểu cũng khác nhau. Hãy chọn sách phù hợp với sở thích, yêu cầu và khả năng của bạn. Không nên đọc lan man những sách mà bạn không quan tâm hay không thực sự cần thiết.
+ Khoảng cách giữa mắt và sách: xấp xỉ 50 cm. Bạn đang nghĩ là hơi xa phải không, vì hồi trước cô giáo nói là 30 cm thôi cơ mà! Thực ra, để đạt được tốc độ đọc nhanh (khoảng 500 từ/phút) thì khoảng cách 50 cm là tối ưu.
+ Tư thế đọc sách: thẳng lưng và sách nên được đặt trên giá ở trước mặt (bạn có thể mua giá này ở các quầy văn phòng phẩm, nếu bí quá thì lên Vincom). Nguyên nhân là khi đọc sách, nếu phải cúi xuống nhiều thì sẽ có cảm giác khó chịu.
Đầu mỗi học kỳ, hãy đo tốc độ đọc của mình theo mỗi quyển sách, xem thử bạn đọc được bao nhiêu trang trong 1 giờ. Khi đã nắm được tốc độ của mình, bạn sẽ có kế hoạch cụ thể cho thời gian biểu khi học. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu cùng các bạn phương pháp đọc SQ3R đã được khá nhiều người áp dụng. Nếu chưa thử, hãy thử áp dụng xem:
+ Bước 1: Skim (đọc lướt) qua cuốn sách để hiểu qua về cuốn sách.
+ Bước 2: Question (tự hỏi) những điều mình cần làm rõ sau khi đọc xong cuốn sách
+ Bước 3: Read (đọc) cuốn sách (theo các phương pháp cá nhân)
+ Bước 4: Revise (ôn) lại: có thể Revise với bạn bè, cũng có thể tự mình đọc to
+ Bước 5: Thỉnh thoảng lại Revise thêm
Một điều nữa mà chúng tôi muốn nhắc nhở các bạn là: 80% những gì đọc được sẽ bị quên sau 24 giờ, và 99% sẽ bị quên sau 2 tuần. Vì vậy việc ôn lại kiến thức thường xuyên sẽ giúp cho kiến thức mà ta đọc đi vào khu vực trí nhớ dài hạn.
5- Kĩ năng giải toả stress:
Trong học tập và nghiên cứu, đôi khi bạn bị stress (bạn cảm thấy kiệt sức, tự dưng thèm ăn hoặc bỏ ăn, đau đầu, khóc, mất ngủ hoặc là ngủ quên. Ngoài ra, tìm đến rượu, thuốc, hoặc những biểu hiện khó chịu khác cũng là những dấu hiệu của stress). Stress có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến công việc cũng như cuộc sống của bạn. Vậy làm thể nào để đối phó với stress?
Trước hết, hãy tìm cách thoát khỏi trạng thái khủng hoảng bằng cách nghỉ ngơi, thư giãn (nghe nhạc chẳng hạn), tạo cho mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn mỗi ngày. Bạn cũng có thể giảm stress bằng cách vận động thể chất như đi bộ hoặc tập một bài thể dục nhẹ nhàng. Xoa bóp và những bài tập thở thư giãn rất hữu dụng để kiếm soát stress. Những lúc thư giãn như vậy sẽ giúp bạn giảm bớt ưu phiền. Bạn cũng có thể trò chuyện với bạn bè hoặc là “hãy làm điều gì đó cho những người khác” (đôi khi bạn có thể tìm thấy cách giải quyết ở những người bạn của bạn). Điều đó sẽ giúp đầu óc bạn nghỉ ngơi một lát, không phải nghĩ liên tục về những phiền muộn của mình. Sau khi đã cảm thấy thoải mái hơn, hãy bắt đầu giải quyết vấn đề, xem xung quanh bạn có việc gì mà bạn có thể thay đổi để xoay chuyển tình hình khó khăn hay không. Đừng để tâm đến những việc lặt vặt. Việc nào thật sự quan trọng thì làm trước, và gạt những việc linh tinh sang một bên. Nếu thấy khó khăn, hãy thử thay đối cách bạn thường phản ứng trước khó khăn đó. Nhưng nhớ là thay đổi từ từ, có chọn lọc, từng bước một. Nếu vẫn không thành công, hãy quay lại từ đầu.
Ngoài ra, để tránh bị stress, bạn cần phải ngủ đủ giờ, không nên cùng một lúc làm quá nhiều việc. Ngoài ra, hãy luôn cố gắng suy nghĩ tích cực. Tại sao lại phải “ghét” khi mà “một chút xíu không thích” là ổn rồi? Tại sao lại phải “lo cuống lên” khi mà “hơi lo một tẹo” là được? Tại sao phải “giận sôi người” khi mà “hơi giận một chút” là đủ? Tại sao phải “đau khổ tột cùng” khi mà bạn chỉ cần “buồn một tẹo”? Như vậy không chỉ giúp bạn tránh bị stress, mà còn khiến bạn thoải mái hơn, học tập và làm việc hiệu quả hơn.
6- Kĩ năng chuẩn bị và làm bài kiểm tra:
Chắc chắn chúng ta đã quá quen thuộc với những bài kiểm tra hay các kì thi ngay từ khi còn học ở phổ thông. Và mỗi người chúng ta đều có những kinh nghiệm riêng để đạt kết quả cao trong bài kiểm tra. Khi lên đại học, kĩ năng chuẩn bị và làm bài lại càng quan trọng hơn vì chúng ta không có nhiều bài để “gỡ điểm”. Do đó, chúng tôi xin chia sẻ cùng các bạn vài kinh nghiêm nhỏ của chúng tôi rút ra được qua các kì thi.
Trước hết, bạn phải hiểu kì thi chẳng qua là kiểm tra những gì bạn đã được học. Do đó nếu bạn đi học đầy đủ, có phương pháp ghi bài và tiếp thu được 70-80% bài giảng của thầy cô là bạn đã thành công một nửa rồi đấy. Bước vào kì thi, đầu tiên bạn cần xác định được các tài liệu liên quan để ôn tập. Cụ thể như môn toán lúc này bạn cần sách bài tập hơn lí thuyết (trừ khi bạn không học gì trong năm). Sắp xếp những gì ghi chép được, hệ thống hoá kiến thức, ước lượng xem bạn cần bao lâu để ôn tập, lập cho mình một thời gian biểu hợp lý để ôn tập. Chia nhỏ những gì bạn phải học thành từng phần. Học ba tiếng buổi sáng rồi lại ba tiếng buổi tối sẽ hiệu quả hơn là bạn ngồi học liền một mạch những sáu tiếng. Nên bắt đầu ôn tập từ sớm, dành ra một khoảng thời gian ngắn mỗi ngày để ôn tập. Khi đó não bộ của bạn sẽ có điều kiện để làm quen với các thông tin dần dần. Nó sẽ giúp bạn dễ dàng hơn khi phải tập trung ôn tập vào những ngày sát khi thi. Bạn cũng có thể ôn tập theo nhóm, điều này giúp bạn có điều kiện để hoàn thiện cả những phần quan trọng mà nếu học một mình thì rất có thể bạn đã bỏ qua. Bạn nên thu xếp một buổi tổng ôn tập vào lúc nào đó sớm một chút để nếu cần thì bạn có thể hỏi bạn bè hoặc thầy cô.
Ngoài các kĩ năng cơ bản trên mà có lẽ ai cũng biết (nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện), chúng tôi xin chia sẻ thêm một vài kinh nghiệm của bản thân chúng tôi. Đầu tiên là kinh nghiệm phỏng đoán đề thi. Đây là kĩ năng khá quan trọng vì với một lượng kiến thức lớn như ở trên đại học, chúng ta không thể học một cách dàn trải mà cần phải có sự tập trung vào một vài vấn đề trọng tâm. Các bạn nên chú ý đến những thông tin được các thầy cô chỉnh sửa, đến mọi hướng dẫn về học tập. Đó có thể là những tài liệu mà thầy cô phát trước giờ kiểm tra, hoặc ngay từ đầu khóa học! Chẳng hạn như những điều chủ chốt, một số chương đặc biệt hoặc một số phần trong một chương. Trước kì kiểm tra, hãy chú ý đến những gì thầy cô giảng. Đặc biệt chú ý đến các gợi ý về cái mà thầy cô có thể hỏi đến, chẳng hạn như khi thầy cô nói một điều gì hơn một lần, viết lên bảng (trong khi bình thường thầy cô không làm như vậy), dừng lại để kiểm tra xem bạn ghi chép đến đâu, đặt ra câu hỏi cho cả lớp hay nói rằng: “Cái này sẽ xuất hiện trong bài kiểm tra”(Chi tiết này là chắc chắn nhất). Ngoài ra, bạn có thể tham khảo những bài kiểm tra trước, xem xét phong cách ra đề của các thầy cô, hỏi các bạn và anh chị khoá trên, chắc chắn bạn sẽ thu được nhiều thông tin thú vị. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận để tránh bị học lệch.
Một kinh nghiệm khác là đôi khi các bạn vì quá bận vào một công việc nào đó mà xao lãng việc học hành. Khi còn rất ít thời gian để có thể ôn tập một cách cẩn thận, chúng ta thường nghĩ ngay đến việc “học nhồi nhét”. Nhưng làm thế nào để tiếp cận công đoạn “nhồi nhét” này một cách có hệ thống nhất có thể?
Đầu tiên, hãy xem trước tất cả những tài liệu mà bạn cần phải học, chọn lựa, lướt qua tất cả các chương để nắm được ý chính, tập trung vào chúng, bỏ qua những phần mà bạn sẽ không có thời gian xem lại. Có một cách rất hay để tiếp cận. Bạn bắt đầu với 5 tờ giấy. Chọn ra 5 ý chính hoặc chủ đề chính bạn cho là sẽ xuất hiện trong bài kiểm tra, viết tên ý chính vào phía trên của mỗi tờ giấy. Chú ý chỉ sử dụng những từ quan trọng hoặc những mệnh đề ngắn gọn và viết theo cách mà bạn hiểu, cách giải thích, định nghĩa, câu trả lời..v.v... hoặc một vài dòng về nội dung chính đó (đừng giở sách vở hay tài liệu). Sau đó so sánh đáp án của bạn với tài liệu (sách và vở ghi). Tiếp theo, biên soạn hoặc viết lại những hiểu biết của bạn về từng chủ đề dựa theo những tài liệu mà bạn đã đọc. Đánh số từng trang những tài liệu mà bạn có từ 1-5 theo thứ tự giảm dần của mức độ quan trọng. Nếu bạn có thời gian, hãy làm theo các bước trên với những phần còn lại.Và thay vì đánh số từ 1-5, bạn hãy đánh số từ 1-7. Nếu bạn vẫn còn thời gian, lại làm theo các bước trên với một hoặc hai phần bài nữa cho tới khi bạn có tổng cộng 9 phần. Hãy làm theo mức độ thoải mái của bạn và chỉ thêm các vấn đề nếu thấy thực sự cần thiết. Cố gắng đừng vượt quá 9 phần, hãy tập trung vào những gì quan trọng nhất. Xem lại vào hôm mà bạn sẽ kiểm tra, cố gắng thật thoải mái. Khi đó bạn sẽ có một kết quả không tồi.
Khi làm bài, hãy chọn một tư thế thoải mái nhất để làm bài kiểm tra. Đọc lướt qua đề bài và phân bố thời gian thật hợp lí. Dễ trước, khó sau, tránh để mất điểm những câu ai cũng làm được. Nếu nghĩ mãi không ra, hãy để đó và chuyển sang câu khác. Bạn cũng có thể thay đổi tư thế để cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu còn thời gian hãy xem lại bài, tốt nhất là làm xong bài nào kiểm tra luôn bài đó. Và bạn cũng đừng lo lắng vì có người nộp bài sớm. Có thể họ có việc bận hoặc không làm được bài, mà kể cả khi họ làm hết cũng chưa chắc họ đã làm đúng (cười). Hãy luôn lạc quan!
Cuối cùng, tôi xin nhấn mạnh rằng: chúng tôi không hề khuyến khích các bạn “học tủ” hay “học nhồi nhét”. Chúng tôi luôn khuyến khích các bạn hãy vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm này trong việc thi cử vì chúng tôi luôn quan niệm rằng học là để lấy kiến thức.
Chúc các bạn thành công!
|