Sinh viên
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sinh viên  >  
"Tự học" ở giảng đường đại học…
Ngày đầu tiên bước vào giảng đường đại học (ĐH), các thầy vẫn bảo với chúng tôi: "các em ạ, ĐH là tự học". Khẩu hiệu to đùng đó được dán lên góc học tập của tôi năm thứ nhất, để rồi suốt hơn 3 năm qua, nó vẫn là mục tiêu phấn đấu và phương pháp học tập duy nhất của tôi khi còn ngồi trên ghế giảng đường hôm nay.

Bước vào ngưỡng cửa ĐH, bao điều bỡ ngỡ và lạ lẫm, chả hiểu phải học hành thế nào cho tốt. Không kiểm tra bài cũ, không phải làm bài tập nhiều, quỹ thời gian thì rộng lớn, tôi thấy khác môi trường phổ thông nhiều quá. Cũng không còn cái cảnh thầy giảng như một cái máy, còn học sinh thì hì hục chép lấy chép để nữa. Tôi mạnh dạn trình bày những thắc mắc của mình với các anh chị đi trước và khẩu hiệu: Tự học lại một lần nữa được nhắc đến. Tôi chỉ hiểu đơn giản “tự học” ở ĐH là ở chính bản thân mình, mình sẽ là người quyết định tất cả sự thành công cũng như tích lũy kinh nghiệm, kiến thức sau khi ra trường. Mục tiêu cuối cùng là trưởng thành và có một công việc phù hợp.

Người thầy ở môi trường ĐH là một người hướng dẫn và chỉ đường cho ta đi tới đúng mục tiêu ta đang phấn đấu, như ngọn hải đăng dẫn lối vậy. Những kiến thức mà thầy trang bị cho chúng ta chỉ là một phần, trong khi kiến thức tại giảng đường ĐH thì vô cùng rộng lớn và bao la. Sinh viên chúng ta đã lớn, đã trưởng thành và phải tự lực vươn lên, cố gắng nghiên cứu các vấn đề trên nhiều phương diện, trình bày vốn hiểu biết của mình với thầy cô và bạn bè, điều đó không chỉ cho phép bạn đi đúng mục tiêu mà còn tạo cho bạn phương pháp học tập hiệu quả.

Các học viên cao học thường phải làm nhiều tiểu luận và thí nghiệm trong quá trình nghiên cứu (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Tự học là phải xây dựng cho mình một kiến thức nền tảng vững chắc và đầy đủ. Như một người thợ xây, khi muốn xây một ngôi nhà cao và có thể chịu đựng được gió mưa thì phải có một nền móng kiên cố. Sự học cũng vậy. Khi bạn có trong tay mình những kiến thức cơ bản thì bạn hoàn toàn có thể phát triển chúng trên nhiều phương diện mà bạn quan tâm, để hiểu hơn và sâu hơn những vấn đề mà bạn đang nghiên cứu. Tự học là phải đọc sách và có một chiến lược lâu dài. Bạn phải xây dựng cho mình một hệ thống thói quen về sách:

Thời gian đọc trung bình/ 1 ngày là bao nhiêu? 1h hay 2 h?!

Thời gian đọc trung bình/1 tuần là bao nhiêu? Trên 6h hay 8h?!

Và đọc sách vào lúc nào là hiệu quả nhất?

Câu trả lời không bao hàm ý nghĩa về thời gian dài hay ngắn mà cái quan trọng nhất là trong khoảng thời gian đó, bạn lĩnh hội được những gì, được bao nhiêu điều từ những trang sách mà bạn đã đọc? Vì thế, hãy chịu khó ghi chép và luôn sử dụng một cuốn sổ tay ghi những điều bạn thích thú, những điều bạn tâm đắc, và cả những suy nghĩ của bạn về điều mà bạn vừa tìm thấy. Bằng cách ghi như vậy, bạn có thể nhớ lâu hơn, hệ thống hơn những tài liệu mà bạn đã đọc. Nhưng đọc sách gì cho phù hợp? Tiểu thuyết, truyện trinh thám hay những tác phẩm đồ sộ?

Câu trả lời là không hoàn toàn như vậy. Ban đầu, bạn hãy đọc những sách mà mình thích, những vấn đề mang tính phổ biến, được nhiều người quan tâm và nhất là phù hợp với lứa tuổi của mình. Nhiều bạn vùi đầu vào những cuốn sách nổi tiếng dày cộp và khoe với bạn bè rằng tất cả các tiểu thuyết nổi tiếng đều đã từng đọc qua? Có thể người ta sẽ khâm phục bạn về khả năng ngấu nghiến chứ chưa chắc đã coi bạn là một sinh viên đam mê tìm tòi qua sách những kiến thức phục vụ cho mình. Vì thế, bạn phải năng đọc tài liệu chuyên môn, tài liệu chuyên ngành liên quan đến chương trình học của mình, những cuốn sách mà các thầy giới thiệu và cung cấp cho bạn. Và, văn hóa đọc còn là sự khám phá các cửa hàng sách cũ nữa. Khi bạn tìm đọc những cuốn sách đã bong gáy, đã phai màu để thấy được không khí của thời gian đã qua, và nếu may mắn còn thấy được những tác phẩm lẫy lừng mà nay không còn thấy nữa. Đọc sách cũ còn là đọc những khoảng trắng giữa các dòng chữ, những dòng chữ chua thêm của tác giả trước. Một phần rất ý nghĩa của việc tìm đến hàng sách cũ, ấy là bạn sẽ nhận thấy những suy nghĩ của một thế hệ so với mình ngày nay. Quả thực, đọc sách là phần quan trọng nhất trong khẩu hiệu “tự học” của mỗi người, không chỉ tôi và bạn mà là của hàng vạn người đang cố gắng vươn lên khẳng định tài năng, để cống hiến để trở thành một công dân tốt. Một người thầy của tôi tại giảng đường đã nói cho chúng tôi biết 3 hệ quả của việc không chịu khó đọc sách nhiều là:

1. Không có kiến thức để mà nói

2. Không biết khi cần tài liệu thì lấy ở đâu

3. Không khiến cho mình có uy tín, học vấn

Trong khi bạn muốn trở thành một chuyên gia giỏi trong nghề nghiệp tương lai mà mình đang được đào tạo và theo đuổi thì không có cách nào khác là bạn phải chịu khó đọc sách và tài liệu chuyên môn. Bạn cũng biết rằng: Quỹ thời gian dành riêng cho việc đọc thường rất hạn hẹp, nó đã bị chia sẻ đi rất nhiều, vì thế bạn phải có một kế hoạch đọc chi tiết: hôm nay đọc gì, đọc đến đâu và thấy được điều gì trong những điều mình đã đọc đấy? Những câu hỏi, những thắc mắc, những điều bạn còn hoài nghi và tất nhiên cả những điều bạn thích thú nữa, bạn đều có thể chia sẻ được.

Khi đã có một thói quen đọc sách rồi, bạn nên thống kê các tài liệu tham khảo và chuyên môn, rà soát lại để xem tài liệu nào mình có, tài liệu nào cần tìm kiếm và khi cần thì tìm kiếm ở đâu? Tài liệu nào khi đọc cần có những phương tiện hỗ trợ và bằng cách nào để có chúng? Hãy đến thư viện và xây dựng cho mình những kiến thức nền tảng và lập cho mình một bảng biểu về sách khi cần đọc.

Và một điểm bạn cũng hết sức chú ý, ấy là dự kiến cơ hội trình bày với thầy và bạn bè những điều mình đã thu hoạch được trong khi đọc để tranh thủ sự chỉ bảo của họ. Khâu quan trọng này nhằm chính xác hóa và mở rộng sự hiểu biết của bản thân xung quanh vấn đề mà bạn quan tâm.

Vì ngày mai, phải tự học. Và cũng vì ngày mai, thế hệ trẻ : “ngoài con đường tự học, không còn con đường nào khác cả”.

Vậy yếu tố quan trọng nhất trong phương pháp học “tự học” là gì? Đó là yếu tố thời gian, ai cũng có những sở thích của riêng mình, cũng phải phân bố thời gian cho từng ấy công việc trong vòng 24 tiếng đồng hồ, cũng phải nghỉ ngơi và ăn uống. Nếu không bố trí thời gian hợp lí và có khoa học, bạn sẽ rơi vào tình trạng thừa rất nhiều thời gian hoặc lúc nào cũng cảm thấy thiếu. Điều ấy có nghĩa là, bạn có thể có rất nhiều thời gian để ngủ, chơi hay đi đâu đó, cảm thấy thừa thời gian, nhiều lúc không biết làm gì cả. Còn nếu công việc của bạn rất nhiều, khi sắp xếp không hợp lí, bạn sẽ tự làm khổ mình, bởi lúc nào cũng phải cuống cuồng chạy vội, có thể dẫn đến công việc không hiệu quả và không như ý muốn. Yếu tố thời gian trong “ Tự học” đòi hỏi bạn phải đề ra Thời gian biểu cho công việc của mình, biết đề ra mục tiêu để phấn đấu và thói quen biết tôn trọng thời gian là một tác phong cần thiết để bạn có thể hoàn thành các mục tiêu của mình nhanh nhất, dù nó có nhiều và vất vả đến đâu.

           Các NCS phải có công trình công bố trên các tạp chí khoa học                                 (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Tự học còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến nó. Tự học không phải là suốt ngày chỉ có vùi đầu vào sách vở, vào nghiên cứu mới gọi là tự học. Tự học là khả năng bạn có thể thực hành những điều mình đã biết, vận dụng những kiến thức mình đã được học, đã biết vào một nội dung cụ thể của đời sống, để rồi bạn nhận thấy sự năng động của cuộc sống và trong chính bản thân mình nữa. Với môi trường ĐH chuyên nghiệp, tự học không phải là bạn một mình trong nghiên cứu, trong mọi hoạt động, tập thể luôn là sự chia sẻ chung, sự đồng lòng nhất trí cao và môi trường tập thể là môi trường có ý nghĩa rất lớn trong quá trình bạn phấn đấu và học tập. Hòa mình vào các phong trào, các công tác xã hội cũng là một khía cạnh của quá trình tự học, bởi vì chính như vậy bạn sẽ cảm nhận hết được nhiều điều mà cuộc sống là một bức tranh đa dạng và phong phú.

Tự học không đơn thuần chỉ là một khẩu hiệu, một phương pháp học hiệu quả ở bậc ĐH, môi trường chuyên nghiệp mà nó còn biểu hiện nhiều khía cạnh của một con người, nhất là ý chí để có thể thành công trên con đường chúng ta đang đi tới. Với mỗi người, tự học là khác nhau nhưng đều mang những điểm chung nhất: đó là sự quyết tâm thực hiện, sự miệt mài, chăm chỉ và cuối cùng là sự trưởng thành trong quá trình phấn đấu dựng nghiệp. Bốn năm học ở ĐH vô cùng ngắn ngủi, nếu bạn không tranh thủ khoảng thời gian này, bạn sẽ thấy vô cùng nuối tiếc cho chính bản thân mình sau này trên con đường phấn đấu. “Đại học là tự học” là vì thế. Bản thân nó là một khẩu hiệu mà các thầy vẫn nhắc nhở chúng ta nhưng trên một bình diện khác - bình diện thể hiện năng lực của giới trẻ ngày nay, thì tự học chính là phương pháp duy nhất đem lại sự thành công khi bạn đang còn ngồi trên ghế giảng đường.

 Nguyễn Ngọc Trìu - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   |