Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố Hà Nội lần thứ XIII diễn ra trong thời điểm đất nước, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIV; Thủ đô Hà Nội phấn đấu về đích trước cả nước 5 năm trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiến tới kỷ niệm một cách xứng đáng nhất sự kiện thiêng liêng của cả dân tộc: 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với tinh thần "Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển", Đại hội là diễn đàn chính trị quan trọng, có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn thành phố lần thứ XII, quyết định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhằm đổi mới công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô giai đoạn 2007 - 2012 với mục tiêu: Nâng cao thực lực tổ chức Đoàn, tăng cường bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng, hỗ trợ thanh niên lập thân - lập nghiệp, vững vàng hội nhập, xung kích xây dựng và phát triển Thủ đô nghìn năm Văn hiến - Anh hùng.
PHẦN THỨ NHẤT
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐOÀN THÀNH PHỐ LẦN THỨ XII (NHIỆM KỲ 2002 - 2007)
Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố Hà Nội lần thứ XII quyết định mục tiêu công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi Thủ đô trong giai đoạn 2002 - 2007 là Phát huy vai trò xung kích của tổ chức Đoàn, phát huy tiềm năng to lớn của thanh niên góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. Trong 5 năm qua, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp do Đại hội đề ra được các cấp bộ Đoàn triển khai thực hiện và đạt được những kết quả cơ bản như sau:
A. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
I. Công tác giáo dục của Đoàn được chú trọng, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng; nội dung và phương thức giáo dục từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên.
Trong nhiệm kỳ 2002 - 2007, hoạt động giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên được triển khai rộng rãi, trọng tâm là tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dân tộc và cách mạng; truyền thống của Đảng, của Đoàn; truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Nhiều loại hình tuyên truyền, giáo dục được thực hiện đã góp phần củng cố niềm tin, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Điển hình như hoạt động chào mừng Đại hội X của Đảng và hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Hà Nội; đợt sinh hoạt chính trị "Tuổi trẻ với Bác Hồ" và chương trình hành động “Tuổi trẻ Thủ đô học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tham gia tuyên truyền, phục vụ bầu cử Quốc hội khoá XII;.. đã có 2,5 triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, về Đoàn, về Thủ đô và đất nước, thể hiện niềm tin của thế hệ trẻ hôm nay với Đảng, truyền thống cách mạng của dân tộc.
Tổ chức các phong trào hành động cách mạng là phương thức giáo dục có hiệu quả cao, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của thanh niên với cộng đồng và xã hội. Tiêu biểu việc tổ chức các lực lượng Tình nguyện viên phục vụ SEAGames 22 và ASEAN Paragames 2; Hội nghị ASEMS 5; Hội nghị APEC 14... 2.200 tình nguyện viên tại SEAGames 22 và ASEAN Paragames 2 đã tạo ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh thanh niên, sinh viên Thủ đô với thanh niên cả nước và bạn bè quốc tế; Đoàn thanh niên thành phố được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Trong nhiệm kỳ qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được quan tâm tổ chức, đặc biệt là đợt sinh hoạt "Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi 20", "Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích"; phong trào học tập tấm gương các anh hùng, liệt sỹ trẻ tuổi thông qua những cuốn nhật ký, hồi ký thời chiến tranh nhằm xây dựng thế hệ trẻ Thủ đô giàu lòng yêu nước, thanh lịch, văn minh, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhiều hoạt động của thanh niên có ý nghĩa giáo dục lòng nhân ái, đạo lý Uống nước, nhớ nguồn như phong trào hiến máu nhân đạo, hoạt động xã hội, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với nước được xã hội hoan nghênh. Các cấp bộ Đoàn đã tập trung triển khai các nội dung giáo dục pháp luật và quốc phòng, giáo dục về Dân số - Sức khoẻ - Môi trường, đặc biệt là tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh niên. Hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao được diễn ra sôi nổi, rộng khắp từ cơ sở tới Thành phố mà tiêu biểu là Hội khoẻ thanh niên Thủ đô được tổ chức 2 năm một lần. Các chương trình văn hoá văn nghệ và hệ thống các CLB sở thích phát triển khá mạnh, trong đó Cung Văn hoá Thể thao thanh niên và Nhà văn hoá Học sinh sinh viên Hà Nội đã thu hút đông đảo thanh niên, học sinh, sinh viên Thủ đô thường xuyên tham gia
Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội trong thanh niên được các cấp bộ Đoàn quan tâm thực hiện, đặc biệt trong những dịp diễn ra các sự kiện chính trị lớn của Thủ đô, đất nước và quốc tế; nhiều cơ sở tham mưu tổ chức các buổi đối thoại giữa cấp uỷ Đảng, lãnh đạo đơn vị với đoàn viên, thanh niên, qua đó kịp thời nắm bắt và giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tuổi trẻ. Hoạt động báo chí, xuất bản của Đoàn được tăng cường; chất lượng Báo Tuổi trẻ Thủ đô từng bước nâng cao và được bạn đọc quan tâm đón nhận; các cơ sở Đoàn, Hội đã chủ động xây dựng các bản tin, nội san, các trang Web, các diễn đàn thanh niên trên mạng... với nhiều nội dung phong phú, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần và giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên.
II. Thi đua - Tình nguyện được xác định là phong trào chủ lực của thanh niên Hà Nội tiếp tục đạt được những kết quả mới, có sức lan toả trong các đối tượng thanh niên, phát huy được vai trò xung kích của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và đất nước. Nét mới là việc đẩy mạnh hoạt động tình nguyện tại chỗ, phát huy chuyên môn được đào tạo, thành lập các đội hình chuyên và phát huy thế mạnh của các đối tượng thanh niên.
1. Phong trào thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo được triển khai có hiệu quả. Các cơ sở Đoàn đã tổ chức nhiều phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia xây dựng môi trường học tập lành mạnh, phòng chống tiêu cực trong thi cử; điển hình như các hoạt động Tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội; cuộc thi Ý tưởng sáng tạo vì sự phát triển của Thủ đô; cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"; hoạt động tư vấn hướng nghiệp, chọn trường cho học sinh THPT, THCN & DN. Sự phát triển khá đa dạng của trên 300 CLB chuyên ngành, học thuật, sở thích đã góp tích cực vào phong trào thi đua học tập, rèn luyện của sinh viên.
Trong nhiệm kỳ qua, các hình thức khuyến khích, hỗ trợ học tập trong học sinh, sinh viên phát triển mạnh với xuất hiện của các văn phòng hỗ trợ sinh viên, quỹ học bổng trong và ngoài nước và thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đã dành hàng chục tỷ đồng trao cho những học sinh, sinh viên xuất sắc có hoàn cảnh khó khăn. Đã có 42.758 đề tài khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của thanh niên có giá trị thực tiễn cao; hơn 42.000 học sinh, sinh viên được trao học bổng với tổng trị giá trên 5,7 tỷ đồng; gần 500 sinh viên được tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội; trí tuệ và năng lực nghiên cứu khoa học của đoàn viên, thanh niên Thủ đô được thể hiện sinh động qua các kỳ thi học sinh giỏi, sinh viên giỏi quốc gia, quốc tế với ... giải thưởng.
Với các đối tượng thanh niên ngoài trường học, bộ phận thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, nhất là học tin học, ngoại ngữ và kiến thức kinh tế, quản lý, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Đoàn Thanh niên Thành phố tham gia phổ cập kiến thức công nghệ thông tin cho thanh niên nông thôn, miền núi; phổ cập giáo dục cho thanh thiếu nhi thông qua mô hình các đội sinh viên tình nguyện, tiêu biểu là đội hình phổ cập Tin học - Internet cho hơn 17.000 đoàn viên, thanh thiếu nhi và cán bộ xã, phường.
2. Thi đua lập nghiệp, lao động sáng tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện mới được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của tuổi trẻ, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển Thủ đô.
Nét nổi bật là phong trào Tuổi trẻ sáng tạo được tập trung triển khai sâu rộng đã thực sự khuyến khích, cổ vũ các đối tượng thanh niên ở mọi lĩnh vực công tác phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và vai trò xung kích của tuổi trẻ góp phần nâng cao chất lượng nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Được tổ chức 2 năm một lần, Festival Sáng tạo trẻ, Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế khu vực Hà Nội đã trở thành hoạt động truyền thống của tuổi trẻ Thủ đô với nhiều nội dung như Triển lãm các thành tựu trong phong trào sáng tạo trẻ; Hội thi bảo vệ đề tài khoa học, giải pháp kỹ thuật; Hội thi tay nghề chọn Bàn tay Vàng trở thành điểm nhấn trong phong trào của thanh niên Hà Nội.
Trong thanh niên nông thôn, phong trào thi đua lập nghiệp tập trung vào hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT; sinh hoạt các CLB, trung tâm khuyến nông; hỗ trợ thanh niên lập dự án vay vốn phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề truyền thống; phong trào "Bốn mới" (Kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới và mô hình mới) đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng. Nhiệm kỳ qua, đoàn viên, thanh niên các huyện đã thực hiện 1.367 công trình thanh niên; xây dựng 425 điểm trình diễn kỹ thuật mô hình ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp; duy trì hoạt động của 108 CLB khuyến nông thanh niên với 5.120 hội viên; hướng dẫn và hỗ trợ 6.750 lượt đoàn viên, thanh niên vay vốn phát triển kinh tế với số tiền hơn 40 tỷ đồng, góp phần tích cực vào quá trình hiện đại hoá nông nghiệp, xây dựng và phát triển nông thôn mới.
Đoàn viên, thanh niên khối sản xuất công nghiệp và dịch vụ, khẳng định vai trò xung kích với nhiều phong trào thi đua sản xuất kinh doanh, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng thành tựu KHKT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường; tích cực tham gia xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp. Đoàn thanh niên đã chủ động đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên; tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm của quốc gia đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của kinh tế thị trường và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. 5 năm qua, đoàn viên, thanh niên khu vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ đã thực hiện 5.472 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật; nhiều công trình nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật của tuổi trẻ được trao giải thưởng Sáng tạo khoa học, kỹ thuật thanh niên toàn quốc.
Trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, thanh niên công chức, viên chức tập trung xây dựng phong cách làm việc hiệu quả, tận tuỵ, tình nguyện làm việc ngày thứ bảy; tham gia cải cách hành chính, xây dựng công sở văn minh, sạch đẹp; hỗ trợ đoàn viên, thanh niên nâng cao trình độ nghiệp vụ và năng lực tham mưu, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý điều hành. Nhiều đề tài, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn, chính trị của đơn vị và công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo thành phố.
Thanh niên khu vực đô thị thể hiện vai trong xung kích trong công tác tham gia hướng dẫn, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông; phòng chống tệ nạn xã hội; xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư. Nét mới trong phong trào của thanh niên đô thị là triển khai thực hiện chương trình "Ba tập trung, ba tình nguyện", tăng cường thu hút, tập hợp và phát huy tiềm năng của thanh niên trên địa bàn dân cư, từ đó đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội đặc biệt là chi đoàn, chi hội. Đã xuất hiện những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, khẳng định sự năng động, dám nghĩ, dám làm của thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động dạy nghề và tư vấn nghề nghiệp cho thanh niên được tổ chức Đoàn quan tâm thực hiện, gắn định hướng nghề nghiệp và dạy nghề với nhu cầu về lao động và việc làm của thị trường. Nhiều cơ sở Đoàn cấp quận, huyện chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ việc làm, tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm cho thanh niên.Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên Hà Nội đã mở thêm nhiều ngành nghề mới theo nhu cầu của thanh niên và thị trường lao động; 5 năm qua đã dạy nghề cho 13.234 thanh niên; tư vấn giới thiệu việc làm cho 32.787 thanh niên; 10.664 thanh niên được giải quyết việc làm.
3. Hoạt động tình nguyện chung sức cùng cộng đồng thể hiện rõ vai trò xung kích của tuổi trẻ trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và giải quyết những vấn đề bức xúc của Thủ đô. Với quy mô lớn, chất lượng cao, địa bàn rộng, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, sinh viên Hà Nội và sinh viên quốc tế tham gia, Chiến dịch mùa hè Thanh niên tình nguyện hàng năm trở thành cao điểm trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng mà điểm sáng là Chương trình Tiếp sức mùa thi. 5 năm qua đã có trên 76.000 lượt đoàn viên, sinh viên tham gia giúp đỡ, tư vấn mùa thi cho 243.000 lượt người; tìm kiếm, giới thiệu 48.000 nhà trọ miễn phí, nhà trọ giá rẻ cho thí sinh và người nhà thí sinh trong các mùa thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Các hoạt động chuyển giao KHKT, phổ cập tin học cho thanh niên nông thôn; xây dựng các công trình dân sinh, văn hoá xã hội; khám chữa bệnh, phát thuốc, tặng quà cho nhân dân và thanh, thiếu nhi được tổ chức tại các huyện ngoại thành Hà Nội và các tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Đặc biệt, thanh niên tình nguyện Thủ đô đã để lại những hình ảnh đẹp trong đợt hoạt động tình nguyện tại thành phố ViêngChăn - Lào mùa hè năm 2007, vừa góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa tuổi trẻ và nhân dân hai thành phố, vừa mở rộng hoạt động tình nguyện với tinh thần quốc tế cao đẹp.
Trong hoạt động giữ gìn an toàn giao thông, hơn 500 đội hình với trên 1 vạn lượt thanh niên tham gia phân luồng giao thông trong những ngày, giờ cao điểm, tại những nút giao thông trọng điểm; tổ chức tuyên truyền Luật giao thông, phối hợp trực chốt phòng chống đua xe, giải toả các hiện tượng tụ tập đua xe và cổ vũ đua xe trái phép. Các đội hình thanh niên tình nguyện đảm nhận giữ gìn các đoạn đường, tuyến phố Thanh niên tự quản; vệ sinh môi trường, nạo vét, khơi thông kênh mương, sông ngòi; trồng cây xanh; xoá bỏ hàng trăm ngàn biển quảng cáo, rao vặt trái phép trên địa bàn thành phố.
Đoàn Thanh niên Thành phố rất chú trọng đến các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn, tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; nổi bật là các hoạt động phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với nước; nạn nhân chất độc màu da cam. Các cơ sở Đoàn thường xuyên tổ chức thăm hỏi, chăm sóc thương, bệnh binh tại các trung tâm điều dưỡng, các làng trẻ của thành phố và các tỉnh, thành khác. Trong nhiệm kỳ qua, toàn Thành phố đã quyên góp gần 1,3 tỷ đồng xây dựng 64 ngôi nhà tình nghĩa; tổ chức khám, phát thuốc, trao quà cho trên 32.000 đối tượng chính sách. Đặc biệt, thanh niên tình nguyện Thủ đô luôn có mặt kịp thời tham gia ứng cứu, giúp đỡ đồng bào các vùng bị thiên tai, lũ lụt, thể hiện rõ tinh thần xung kích vì cộng đồng của tuổi trẻ, được nhân dân và các cấp chính quyền ghi nhận.
Cuộc vận động Hiến máu nhân đạo phát triển rộng khắp trở thành một nét đẹp của thanh niên Hà Nội. 5 năm qua, đã có 110.212 thanh niên đăng ký tình nguyện hiến máu, 100.522 lượt thanh niên trực tiếp hiến máu; nhiều đoàn viên, thanh niên đã hiến máu nhiều lần, đồng thời là những tuyên truyền viên tích cực cho phong trào; toàn thành phố đã xây dựng được 7 điểm hiến máu thường xuyên, thành lập và duy trì hoạt động khá hiệu quả 175 Đội tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo.
4. Phong trào xung kích bảo vệ Tổ quốc, tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma tuý được triển khai thông qua nhiều mô hình có hiệu quả như: hoạt động "Ba cùng" của thanh niên, sinh viên tình nguyện tại các Trung tâm giáo dục lao động xã hội của Thành phố; hoạt động của các CLB Bạn giúp Bạn; tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS; đảm nhận giúp đỡ thanh niên sau cai. Bên cạnh đó, hoạt động của Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp Thanh niên Hà Nội đã góp phần giảm bớt tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tư, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh vì cộng đồng.
Trong thanh niên lực lượng vũ trang, các phong trào Giành 3 đỉnh cao quyết thắng; Tuổi trẻ lực lượng vũ trang xung kích, mẫu mực xây dựng chính quy; Thanh niên Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy… đã góp phần giáo dục, rèn luyện thanh niên, xây dựng hình ảnh đẹp về anh "Bộ đội Cụ Hồ", về chiến sỹ Công an nhân dân Thủ đô trong thời kỳ mới trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các cơ sở Đoàn cũng thực hiện tốt công tác động viên thanh niên trong độ tuổi tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự và sẵn sàng nhập ngũ khi có lệnh; tổ chức giới thiệu việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
III. Công tác xây dựng tổ chức Đoàn, mở rộng mặt trận tập hợp, đoàn kết thanh niên được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt được kết quả quan trọng; chú trọng thực hiện công tác Đoàn tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân có bước phát triển tích cực.
Trong nhiệm vừa qua, Đoàn thanh niên Thành phố có sự biến động về tổ chức: từ 84 tổ chức Đoàn trực thuộc đầu nhiệm kỳ, đến nay Thành Đoàn Hà Nội có 76 cơ sở trực thuộc gồm 14 quận, huyện Đoàn; 41 Đoàn trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở Đoàn khối công nhân viên chức với tổng số hơn 400.000 đoàn viên; nét mới là sự hình thành và hoạt động khá hiệu quả của mô hình Đoàn Khối. Thời gian tới, tình hình tổ chức của Đoàn Thanh niên Thành phố sẽ tiếp tục có sự biến động cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) về đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội.
1. Công tác đoàn viên được quan tâm thực hiện nhất là công tác bồi dưỡng phát triển đoàn viên mới, công tác quản lý đoàn viên; trong nhiệm kỳ qua, đã có trên 135.000 đoàn viên mới được kết nạp. Tổ chức Đoàn thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm chăm lo, bồi dưỡng, phát huy thanh niên; quan tâm đến các đối tượng thanh niên đặc thù; chú trọng nắm bắt tình hình tư tưởng và giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích và trách nhiệm của người đoàn viên. Chương trình Rèn luyện đoàn viên được nhiều đơn vị thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn; vai trò tiền phong gương mẫu của người đoàn viên trong các phong trào thanh niên ở cộng đồng dân cư, trong công tác chăm sóc giáo dục thiếu nhi ở một số địa bàn, lĩnh vực được khẳng định.
2. Công tác cán bộ được các cấp bộ Đoàn chú trọng thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá VIII về "Công tác cán bộ Đoàn trong thời kỳ mới”. Nổi bật là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn được thực hiện theo phương châm đa dạng về nội dung, hình thức và có sự phân cấp từ thành phố đến cơ sở; đa số cán bộ từ Đoàn cơ sở trở lên có trình độ đại học, cao đẳng; cán bộ Đoàn chủ chốt được quan tâm đào tạo cơ bản về lý luận chính trị. Trong nhiệm kỳ qua, có 91.699 lượt cán bộ Đoàn, Hội, Đội được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ; Ban Thường vụ Thành Đoàn đã ban hành Giải thưởng Bí thư chi đoàn giỏi Thủ đô đã khích lệ đội ngũ bí thư chi đoàn trong toàn thành phố; biên soạn cuốn sách Hướng dẫn nghiệp vụ công tác Đoàn - Hội - Đội; ban hành Giải thưởng Bí thư chi đoàn giỏi Thủ đô;. Bên cạnh đó, Hội thi Bí thư Chi đoàn giỏi; hoạt động của các CLB cán bộ Đoàn, CLB Bí thư chi đoàn đã góp phần bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở. Trong nhiệm kỳ đã có nhiều cán bộ Đoàn từ cơ sở đến thành phố được bầu vào cấp uỷ Đảng, được cử tham gia bộ máy chính quyền với tín nhiệm cao.
3. Trong công tác chi đoàn và Đoàn cơ sở, các cấp bộ Đoàn tập trung thực hiện Nghị quyết 07 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá VII về "Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn, trọng tâm là xây dựng Đoàn ở địa bàn dân cư" và cuộc vận động "Xây dựng tổ chức cơ sở Đoàn vững mạnh"; đầu tư nhiều hơn cho công tác cán bộ Đoàn cơ sở, đổi mới nội dung và phương thức sinh hoạt chi đoàn. Các hoạt động Đoàn hướng đến mục tiêu thiết thực, hiệu quả, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của số đông đoàn viên, thanh niên. Ban Thường vụ Thành Đoàn đã thành lập mới 2 đơn vị Đoàn Khối để thích ứng nhanh với tình hình thực tiễn và nâng cao hiệu quả hoạt động và công tác quản lý đoàn viên, thanh niên trong các khu vực đặc thù. Ban Thường vụ Thành Đoàn đã ban hành, triển khai nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của chi đoàn tạo được sự chuyển biến tích cực trên thực tế.
Công tác kiện toàn tổ chức, việc đánh giá, phân loại chi đoàn và đoàn cơ sở được thực hiện theo quy định; Báo Tuổi trẻ Thủ đô được kiện toàn, xuất bản 3 số/tuần từng bước góp phần định hướng chỉ đạo, đồng thời phát hiện, động viên cổ vũ những mô hình hiệu quả trong công tác xây dựng Đoàn.
4. Công tác kiểm tra được xác định là biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp bộ Đoàn. Trong nhiệm kỳ qua, UBKT Thành Đoàn đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Thành Đoàn tổ chức 17 đợt kiểm tra với hơn 60 đoàn tiến hành kiểm tra trực tiếp tại cơ sở. Nội dung tập trung vào kiểm tra thực hiện nghị quyết đại hội Đoàn các cấp, các chủ trương của Đoàn, kiểm tra chấp hành Điều lệ Đoàn, góp phần phục vụ công tác chỉ đạo và giữ kỷ cương trong Đoàn. Thông qua kiểm tra, đã phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, những cá nhân điển hình tiến tiến để nhân rộng. Đồng thời, UBKT các cấp cũng đã tham mưu cho Đoàn cấp trên và cấp ủy Đảng, lãnh đạo đơn vị những chủ trương, giải pháp nhằm góp phần hỗ trợ, thúc đẩy và nâng cao chất lượng công tác Đoàn. Đặc biệt, việc thành lập Ban Kiểm tra Thành Đoàn đã khẳng định quan điểm và nhận thức đúng về vai trò, vị trí công tác kiểm tra của Đoàn trong tình hình mới.
5. Đoàn tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân được tiến hành thường xuyên. Công tác Đoàn tham gia xây dựng Đảng được các cấp bộ Đoàn tập trung triển khai thông qua cuộc vận động "Đoàn viên phấn đấu rèn luyện trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam"; Trong nhiệm kỳ 2002 - 2007, Đoàn thanh niên Thành phố đã giới thiệu cho Đảng 31.082 đoàn viên ưu tú, có 12.117 đồng chí được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam; trong học sinh, sinh viên có 2.172 đồng chí đã được kết nạp vào Đảng.
Trong xây dựng chính quyền nhân dân, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức tuyên truyền và vận động đoàn viên, thanh niên gương mẫu thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tuyên truyền và trực tiếp giới thiệu 2.126 đại biểu ưu tú ứng cử vào Hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ là thành viên tập thể của Mặt trạn Tổ quốc các cấp, phối hợp tổ chức phong trào quần chúng tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, các hoạt động cộng đồng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua, Đoàn thanh niên các cấp đã thực hiện tốt vai trò bảo trợ trong việc thành lập, tạo điều kiện và phối hợp hoạt động có hiệu quả đối với các Hội cựu TNXP.
IV. Công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng và xây dựng tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh tiếp tục được đổi mới về nội dung và hình thức, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, vui chơi giải trí, giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em và xây dựng Đội vững mạnh.
Phong trào Thiếu nhi Thủ đô Anh hùng - Xây dựng Thành phố Vì hoà bình tiếp tục được triển khai sâu rộng thông qua các hoạt động như Nói lời hay, làm việc tốt,cử chỉ đẹp; phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Trong nhiệm kỳ qua, xuất hiện nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào mới như phong trào Vượt khó, học tốt; Em yêu khoa học Vì bạn nghèo; Thiếu nhi Thủ đô hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... vừa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, phát huy tính tích cực của thiếu nhi Thủ đô học tập, rèn luyện, góp phần nâng cao chất lượng đội viên, chất lượng tổ chức Đội. Các hoạt động Đội được gắn với hoạt động cộng đồng với các phong trào Kế hoạch nhỏ; Vòng tay bè bạn tạo cho thiếu nhi sự tự tin, thể hiện lòng nhân ái, sự chia sẻ trong học tập và sinh hoạt góp phần hình thành nhân cách, nét đẹp của thiếu nhi Thủ đô.
Công tác xây dựng tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh trong trường học ngày càng được khẳng định; chương trình Rèn luyện đội viên và công tác nhi đồng được vận dụng và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với ngành giáo dục. Đoàn Thanh niên thành phố triển khai và thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá VIII về Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng và xây dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phụ trách Đội được tăng cường, các CLB Phụ trách Đội, cán bộ Đội tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm công tác cho đội ngũ cán bộ phụ trách Đội. Trong nhiệm kỳ qua, đã có 201 công trình, phần việc tình nguyện Vì đàn em thân yêu trị giá hơn 2 tỷ đồng; các cơ sở Đoàn đã đầu tư xây dựng, trang bị cơ sở vật chất được 385 sân chơi, địa điểm sinh hoạt cho thanh, thiếu nhi của thành phố.
V. Đoàn Thanh niên khẳng định vai trò nòng cốt chính trị trong việc xây dựng và phát triển tổ chức Hội LHTN và Hội Sinh viên, qua đó tăng cường thu hút, tập hợp các đối tượng thanh niên đến với tổ chức Đoàn, Hội.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về Tăng cường, củng cố và mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và thực hiện chuyên đề Tăng cường công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên và phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Đoàn thanh niên, Hội LHTN các cấp phối hợp thực hiện. Đoàn thanh niên phân công cán bộ, định hướng và đảm bảo các điều kiện hoạt động cho các Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội, mở rộng mặt trận tập hợp, đoàn kết thanh niên, qua đó củng có và phát triển tổ chức Đoàn. Đến nay, 100% quận, huyện, xã, phường có tổ chức Hội với khoảng 200.000 hội viên tham gia sinh hoạt tại 16.000 chi hội, CLB, đội, nhóm cơ sở. Nhiệm kỳ qua, toàn thành phố đã thành lập mới 326 tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố có tổ chức Đoàn, Hội là 491/30.000 doanh nghiệp. Có 25/430 doanh nghiệp là thành viên Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã thành lập được tổ chức Đoàn, Hội; kết nạp được 185.502 hội viên Hội LHTN. Công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên trong các trường THCS, thanh niên tôn giáo, thanh niên trong các khu công nghiệp, khu chế xuất được quan tâm chỉ đạo.
Hội Sinh viên Thành phố tiếp tục có bước phát triển quan trọng, số lượng tổ chức Hội Sinh viên tăng lên đáng kể, từ hơn 20 tổ chức Hội đầu nhiệm kỳ, đến nay đã có 37 tổ chức Hội/41 trường đại học, cao đẳng và Đại học Quốc gia; tỷ lệ hội viên chiếm 95% trên tổng số sinh viên. Hoạt động hiệu quả của Hội Sinh viên đã góp phần hỗ trợ cho các hoạt động của Đoàn và bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ cho tổ chức Đoàn.
VI. Hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế của thanh niên có những bước phát triển nhất định, góp phần tăng cường hiểu biết, tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác với thanh niên và nhân dân các nước, đồng thời hỗ trợ, động viên phong trào thanh niên Thủ đô.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Đoàn thanh niên Thành phố chú trọng tuyên truyền, định hướng nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho thanh niên trong quá trình hội nhập; duy trì hoạt động giao lưu, liên kết giữa tuổi trẻ Thủ đô với thanh niên các tỉnh, thành trong cả nước; tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị với thanh niên các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Thành Đoàn Bắc Kinh - Trung Quốc; nâng tầm quan hệ đặc biệt với Thành Đoàn Viêng Chăn - Lào. Hội Sinh viên Thành phố đã phối hợp tổ chức giao lưu giữa thanh niên Thủ đô với hơn 10 tổ chức thanh niên quốc tế; Cung Thiếu nhi và các cơ sở Đoàn trực thuộc đã tổ chức hoạt động giao lưu với hơn 20 tổ chức thanh niên các nước, qua đó thu hút thanh niên, sinh viên các nước tham gia hoạt động tình nguyện tại Việt Nam. Các hoạt động đó đã góp phần giới thiệu với bạn bè quốc tế về Thủ đô và thanh niên Hà Nội, về đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; đồng thời, thông tin cho thanh niên Hà Nội về tình hình quốc tế, về thanh niên và các tổ chức thanh niên thế giới.
VII. Công tác chỉ đạo của các cấp bộ Đoàn tiếp tục được đổi mới, tập trung cho cơ sở, quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc của thanh niên và công tác Đoàn; chú trọng tham mưu cho các cấp uỷ Đảng về công tác thanh niên và từng bước đẩy mạnh xã hội hoá các nguồn lực phục vụ cho công tác thanh niên.
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội tăng cường đổi mới công tác chỉ đạo, định hướng; tập trung chỉ đạo xây dựng tổ chức Đoàn, ban hành nghị quyết chuyên đề về sinh hoạt chi đoàn; tài liệu kỹ năng nghiệp vụ công tác Đoàn; các phong trào, hoạt động đều hướng tới khơi dậy sự sáng tạo và tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên tham gia thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, tạo nên sức mạnh tổng thể của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu Thủ đô. Thành Đoàn đã tham mưu cho Thành uỷ tổng kết Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VII) về Công tác thanh niên trong thời kỳ mới, ban hành Nghị quyết về Đẩy mạnh công tác thanh niên trong tình hình mới, góp phần tạo cơ chế hỗ trợ đoàn viên, thanh niên và công tác Đoàn Thanh niên Thành phố. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn các cấp chủ động tham mưu với cấp uỷ lãnh đạo công tác thanh niên; phối hợp có kết quả với chính quyền, đoàn thể trong công tác thanh niên.
B. NHỮNG HẠN CHẾ, YẾU KÉM - NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
I. Hạn chế, yếu kém:
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ qua, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô còn bộc lộ một số mặt hạn chế, yếu kém cơ bản là:
1. Trong công tác tuyên truyền giáo dục: Một số cấp bộ Đoàn tỏ ra yếu kém, chưa tiếp cận kịp thời với những diễn biến tư tưởng, tình cảm, lối sống của thanh niên; đội ngũ báo cáo viên của Đoàn chưa được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng bài bản; công tác tuyên truyền miệng chưa phát huy được thế mạnh, chưa đến được số đông thanh niên, đặc biệt là một số khu vực đối tượng thanh niên đặc thù. Ở một số cơ sở, cấp bộ Đoàn thường chú trọng đến các hoạt động tập trung, huy động nhiều lực lượng, mà thiếu quan tâm chỉ đạo quá trình giáo dục thường xuyên, đặc biệt là qua sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội. Hình thức, phương pháp giáo dục tuy đã được đổi mới song còn đơn điệu, thiếu sức hấp dẫn thanh, thiếu niên; công tác giáo dục lý luận chính trị còn khô khan, cứng nhắc; hiệu quả công tác giáo dục pháp luật, ý thức công dân chưa cao, vẫn còn một bộ phận không nhỏ đoàn viên, thanh niên tiêu cực trong học tập, sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ công tác giáo dục tuy có được tăng cường hơn trước nhưng nhìn chung vẫn còn nghèo nàn, không đáp ứng được yêu cầu rất lớn và đa dạng hiện nay. Công tác xã hội hoá và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục cho thanh niên chưa được quan tâm đầu tư thích đáng.
2. Trong công tác xây dựng tổ chức: Công tác đoàn viên bộc lộ nhiều yếu kém; việc thực hiện quy trình công tác phát triển đoàn viên mới chưa đảm bảo; việc thực hiện "Chương trình rèn luyện đoàn viên" mang tính hình thức, đối phó, không hiệu quả; không ít đoàn viên ngại sinh hoạt, thậm chí bỏ sinh hoạt nhiều kỳ; tác động của đoàn viên đến thanh niên nhìn chung hạn chế. Chủ trương về luân chuyển cán bộ chưa được thực hiện và thiếu cơ chế cụ thể; một bộ phận cán bộ Đoàn chưa thực sự tâm huyết, hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ công tác, thiếu chủ động, sáng tạo, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo công tác thanh niên trong tình hình hiện nay; mối quan hệ giữa cống hiến và chính sách (sử dụng, phát huy, đãi ngộ...) của đội ngũ cán bộ Đoàn - Hội - Đội có những vấn đề chưa được giải quyết thoả đáng, gây tâm tư cho đội ngũ cán bộ. Việc phát hiện, tạo dựng mô hình đã đạt được những kết quả bước đầu song chưa thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng; công tác thông tin báo cáo của Đoàn còn yếu. Sinh hoạt chi đoàn gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo theo quy định; nội dung, hình thức chưa thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên. Công tác phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa được quan tâm đầu tư thích đáng, bị động và không đạt chỉ tiêu đề ra; vị thế, vai trò của tổ chức Đoàn trong thanh niên và trong xã hội đang có những dấu hiệu suy giảm đáng suy nghĩ.
3. Trong phong trào thi đua, tình nguyện: Một số cấp bộ Đoàn nhận thức chưa đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa của phong trào, nhất là phương châm phát huy chuyên môn và tình nguyện tại chỗ; còn lúng túng trong việc xác định nội dung, hình thức hoạt động. Công tác chỉ đạo của Đoàn có lúc, có nơi còn thụ động, thiếu trọng tâm, trọng điểm; các yếu tố nội lực của Đoàn như vai trò tiên phong, gương mẫu của đoàn viên, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ Đoàn, vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức Đoàn trong phong trào thanh niên... chưa được phát huy có hiệu quả; nhiều hoạt động, phần việc mới chỉ dừng lại ở những mô hình điểm, chưa có sự kiểm tra, tổng kết để nhân rộng mô hình. Tính tập thể, tính chính trị, tính hiệu quả của phong trào có nơi, có lúc còn bị coi nhẹ; các phong trào nhìn chung chưa đến được với đông đảo thanh niên, chưa thực sự trở thành suy nghĩ, hành động, động lực tự thân của tuổi trẻ và chưa trở thành nội dung xuyên suốt chi phối các hoạt động, sinh hoạt của cơ sở đoàn, nhất là cấp chi đoàn. Việc xã hội hoá các nguồn lực phục vụ công tác thanh niên, chăm lo cho thanh niên đáp ứng các nhu cầu học tập, việc làm, vui chơi, giải trí lành mạnh, chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ Đoàn còn nhiều hạn chế; Đoàn Thanh niên Thành phố chưa có những công trình thanh niên tầm cỡ và mang đậm dấu ấn của tuổi trẻ Thủ đô.
4. Trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi: Nhận thức về công tác Đội và phong trào thiếu nhi ở một số cấp bộ Đoàn còn hạn chế, còn biểu hiện "khoán trắng" cho Hội đồng Đội; Hội đồng Đội các cấp chưa thực sự chủ động trong việc xác định nội dung và phương thức tổ chức các hoạt động ngoại khoá của Đội cho phù hợp với sự đổi mới của ngành giáo dục; Đoàn chưa chủ động làm tốt công tác vận động và kết hợp các môi trường giáo dục trong công tác chăm sóc thiếu nhi.
5. Công tác tham mưu, chỉ đạo của Đoàn không ít nơi còn bị động, lúng túng, chưa thực sự khoa học, thiếu sâu sát do chưa thích ứng kịp thời với quá trình phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước, chưa theo kịp xu thế phát triển và nhu cầu nguyện vọng của thanh niên. Công tác thi đua khen thưởng còn hình thức, chưa có tác dụng cổ vũ thúc đẩy phong trào; công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, điển hình còn hạn chế; một số nơi, tổ chức Đoàn thiếu chủ động trong tham mưu, đề xuất với cấp uỷ Đảng, chính quyền về công tác thanh niên; việc huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác thanh niên còn nhiều lúng túng, chưa tạo được sự đồng thuận cao của dư luận xã hội ủng hộ cho phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô.
II. Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
1. Nguyên nhân của thành công
Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đoàn, sự lãnh đạo, tạo điều kiện của các cấp uỷ Đảng và chính quyền từ thành phố đến cơ sở, và sự quan tâm phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể của Thành phố.
Đoàn viên, thanh niên và tổ chức Đoàn các cấp đã kế thừa, phát huy được thành quả, kinh nghiệm của phong trào Đoàn thành phố qua các thời kỳ; phát huy nội lực, nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch đã đề ra, trong đó có sự đóng góp của nhiều cán bộ Đoàn năng động, nhiệt tình, tâm huyết.
Đoàn Thanh niên các cấp đã cố gắng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng ngày càng thiết thực, đồng thời tập trung cho cơ sở, tạo được sự thống nhất trong hệ thống tổ chức Đoàn.
2. Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém
2.1. Nguyên nhân chủ quan: Đoàn Thanh niên các cấp còn chậm đổi mới hình thức tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động; chưa tích cực tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc trong cuộc sống của tuổi trẻ; chưa thực hiện tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của thanh niên; khả năng thu hút, tập hợp thanh niên còn hạn chế. Bệnh thành tích, hành chính hoá, thiếu sâu sát trong chỉ đạo và tổ chức phong trào thanh niên chậm được khắc phục; Một số cơ sở Đoàn, cán bộ còn thụ động, chưa nhạy bén, sáng tạo trong hoạt động, nhận thức, kỹ năng về công tác thanh vận còn thiếu và chưa theo kịp xu thế phát triển nhanh chóng của tình hình kinh tế - xã hội và nhu cầu, nguyện vọng ngày càng cao của thanh niên, đặc biệt là công tác chỉ đạo hoạt động của cấp chi đoàn.
Công tác tham mưu nói chung đặc biệt là tham mưu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển cán bộ Đoàn chưa mang tính đồng bộ, chưa trở thành động lực thúc đẩy phong trào. Một số chỉ tiêu Đại hội XII đề ra chưa lường hết những khó khăn của thực tế, khả năng, điều kiện của tổ chức Đoàn nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Cấp Thành phố còn nặng về tổ chức hoạt động sự kiện, không còn thời gian vật chất và năng lực dành cho đầu tư chiều sâu, tổng kết thực tiễn. Trong nhiệm kỳ qua, trí tuệ tập thể của Ban Chấp hành Thành Đoàn chưa được phát huy đầy đủ, chưa có những hội nghị, nghị quyết chuyên đề bàn về những vấn đề cấp bách của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi đặt ra.
2.2. Nguyên nhân khách quan: Mặt trái của cơ chế thị trường, âm mưu "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch có tác động không nhỏ đến tình hình thanh niên và công tác tập hợp, đoàn kết, giáo dục thanh niên của tổ chức Đoàn; sự phát triển của tình hình kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dẫn đến nhiều thanh niên thiếu việc làm tại địa phương, phải đi làm ăn xa. Số đông thanh niên trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân không được tạo điều kiện sinh hoạt và tham gia các hoạt động tập thể; thanh niên lao động tự do ngoại tỉnh ngày càng tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý thanh niên đồng thời gây khó khăn trong việc nắm bắt diễn biến tư tưởng thanh niên, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn - Hội.
Tiềm năng to lớn trong thanh niên chưa được phát huy tối đa do sự thiếu đồng bộ trong hệ thống chính sách và pháp luật đối với công tác thanh niên; các giải pháp để nâng cao chất lượng cán bộ, chất lượng đoàn viên tuy đã được tập trung chú trọng song yếu tố thời gian, tính chất nhiệm vụ chưa thể có ngay kết quả như yêu cầu; một số cấp uỷ Đảng, chính quyền ở cơ sở chưa quan tâm đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo công tác thanh niên; chưa tập trung tháo gỡ những vấn đề bức xúc của thanh niên (việc làm, đào tạo nghề, chính sách phát triển tài năng trẻ, cơ sở vật chất dành cho các hoạt động của thanh, thiếu nhi).
III. Bài học kinh nghiệm
Một là, mọi hoạt động của Đoàn phải thiết thực, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên, gắn với việc hỗ trợ thanh niên trong học tập, lao động và phát triển tài năng; phát huy mạnh mẽ tính tích cực chính trị - xã hội, tinh thần xung phong tình nguyện của thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên tự khẳng định và phát triển. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, đề xuất những giải pháp, chương trình phù hợp để phát huy thế mạnh của các lực lượng thanh niên Hà Nội, nhất là lực lượng thanh niên sinh viên, trí thức trẻ, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các khu vực, đối tượng.
Hai là, tập trung xây dựng Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn các cấp thực sự là tập thể đoàn kết, thống nhất; coi trọng công tác cán bộ, đánh giá đạo đức và sử dụng đúng năng lực, trình độ cán bộ, từ đó tạo nguồn, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển và trưởng thành, tạo sự kế thừa trong công tác cán bộ là nhân tố có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì và phát triển của Đoàn Thanh niên Thành phố.
Ba là, cần có sự đầu tư chiều sâu, hướng về cơ sở, sáng tạo trong triển khai, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, các vấn đề bức xúc của thanh niên và thành phố. Cấp thành phố cần tập trung đầu tư nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và xây dựng mô hình. Coi trọng kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chủ trương công tác của Đoàn; trong mọi hoạt động phải đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu; tuyệt đối tránh bệnh hình thức, giáo điều trong các hoạt động của Đoàn.
Bốn là, trong công tác chỉ đạo thể hiện tính sáng tạo, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của Thành phố, đồng thời tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; tích cực khai thác nguồn lực của xã hội phục vụ cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô
NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT
Nghị quyết Đại hội Đoàn Thành phố Hà Nội lần thứ XII, nhiệm kỳ 2002 – 2007, đã được triển khai và đạt được kết quả trên các mặt công tác, dù chưa thật sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của các lực lượng thanh niên Thủ đô. Nhưng có thể khẳng định rằng, trong nhiệm kỳ qua, công tác giáo dục của Đoàn thanh niên Thành phố đã được triển khai toàn diện, có những nét mới, sáng tạo, đặc biệt là công tác giáo dục truyền thống đã góp phần bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, niềm tin và lòng tự hào dân tộc cho thanh, thiếu nhi. Phong trào thi đua tình nguyện tiếp tục có bước phát triển mới với phương châm tình nguyện tại chỗ và phát huy chuyên môn, đặc biệt các hoạt động chung sức cùng cộng đồng đã khơi dậy và phát huy tinh thần tình nguyện của thanh niên, động viên các lực lượng thanh niên tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và các địa phương trong cả nước. Các cấp bộ Đoàn đã từng bước đổi mới công tác chỉ đạo, tập trung củng cố và xây dựng tổ chức Đoàn, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn thanh niên thành phố đã làm tốt công tác giáo dục, chăm sóc thiếu niên nhi đồng và xây dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh; phát huy tốt vai trò nòng chốt chính trị trong việc xây dựng tổ chức của Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Sinh viên; mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế của thanh niên Hà Nội. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều công trình, phần việc thanh niên tiêu biểu và những gương sáng của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi trong học tập, lao động sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và bảo vệ Tổ quốc; nhiều tập thể, cá nhân và tổ chức Đoàn từ Thành phố đến cơ sở vinh dự được đón nhận những phần thưởng cao quý của Trung ương và Thành phố, góp phần tô thắm thêm trang sử truyền thống của tuổi trẻ Thủ đô.
|