1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Lê Thị Hồng Duyên
2. Giới tính: Nữ
3. Ngày sinh: 15/01/1982
4. Nơi sinh: Hải Phòng
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 1575/QĐ-ĐHNN của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc Gia Hà Nội, ngày 22/11/2011.
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Thay đổi tên đề tài luận án tiến sĩ (Quyết định số 308/QĐ-ĐHNN ngày 25/01/2013); Gia hạn học tập 02 năm (Quyết định số 1756b/QĐ-ĐHNN ngày 07/11/2014); Chỉnh sửa tên đề tài (Quyết định số 2227/QĐ- ĐHNN ngày 09/12/2016)
7. Tên đề tài luận án: ESP teachers’ perceptions and practices in Vietnamese context (Cách hiểu và thực tế giảng dạy của giáo viên tiếng Anh chuyên ngành trong bối cảnh Việt Nam)
8. Chuyên ngành: LL&PPDH Tiếng Anh
9. Mã số: 62 14 01 11
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học:
Cán bộ hướng dẫn 1: TS. Dương Thị Nụ
Cán bộ hướng dẫn 2: TS. Đỗ Tuấn Minh
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
Nghiên cứu này nhằm mục đích điều tra cách hiểu và thực tế giảng dạy Tiếng Anh chuyên ngành (TACN) cũng như các yếu tố ngoại cảnh tác động đến suy nghĩ và cách giảng của giáo viên tại một số bối cảnh của Việt Nam. Dữ liệu được thu thập từ ba công cụ nghiên cứu chính bao gồm phỏng vấn giáo viên, quan sát lớp và phỏng vấn sau giờ học.
Kết quả cho thấy các giáo viên trong nghiên cứu này sử dụng trực giác để đánh giá nhu cầu người học và có xu hướng thiên về truyền thụ kiến thức. Thêm vào đó, thực tế giảng dạy của các giáo viên được thể hiện chủ yếu qua phương pháp Ngữ pháp- Dịch (Grammar Translation Method) và đồng nhất với cách hiểu của họ. Sự đồng nhất trong suy nghĩ và cách dạy của giáo viên được giải thích bởi ba yếu tố ảnh hưởng bao gồm việc giáo viên bị hạn chế về các lý thuyết giảng dạy và các hoạt động phát triển chuyên môn; các nguồn sẵn có tại môi trường giảng dạy đóng vai trò như các qui tắc chỉ dẫn (guiding norms) và một số yếu tố mang tính “quyền lực” (guiding authorities) ở bối cảnh đất nước và trường học.
Mặc dù không nhằm khái quát hóa toàn bộ bối cảnh của Việt Nam nhưng nghiên cứu này đã có ý nghĩa trong việc mô tả bức tranh về giảng dạy TACN tại một số bối cảnh cụ thể của Việt Nam. So với các nghiên cứu trước đây, đóng góp chính của nghiên cứu này đó là đã lý giải sự tri nhận và hành động của giáo viên dựa trên năng lực hành động và tính tự chủ của giáo viên trong giảng dạy. Bên cạnh đó, bằng việc đặt cách hiểu và thực tế giảng dạy của giáo viên trong mối quan hệ với các yếu tố ngoại cảnh ở các cấp độ khác nhau, nghiên cứu này đã chỉ ra rằng việc thay đổi một yếu tố trong hệ thống không đủ để làm thay đổi niềm tin và cách dạy của giáo viên. Từ kết quả của nghiên cứu, một số đề xuất về lý thuyết, phương pháp nghiên cứu và chính sách giáo dục đã được đưa ra.
12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:
Về lý thuyết, nghiên cứu này đã bổ sung thêm minh chứng cho tính ứng dụng của mô hình Tri nhận-Sinh thái (Cognitive-Ecological Model) của tác giả Alzaanin (2014). Hơn nữa, nghiên cứu cũng đề xuất cần phải xem xét cách hiểu và thực tế giảng dạy của giáo viên trong mối quan hệ với các yếu tố ngoại cảnh từ các cấp độ khác nhau và có liên hệ với hiệu quả học tập của người học.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận đa trường hợp theo phương pháp định tính được sử dụng trong nghiên cứu này cũng góp phần bổ sung cho số lượng nghiên cứu định tính tại môi trường lớp học vốn còn rất hạn chế trong bối cảnh Việt Nam. Trong nghiên cứu này, các công cụ nghiên cứu và các qui trình phân tích số liệu chi tiết có thể sẽ hữu ích cho các nhà nghiên cứu của Việt Nam tiến hành các nghiên cứu tương tự liên quan đến tri nhận và thực tế giảng dạy của giáo viên.
Thêm vào đó, xét về khía cạnh thực tiễn, nghiên cứu cũng có tầm quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của giáo viên giảng dạy TACN. Thông qua các trường hợp giáo viên trong nghiên cứu này, các giáo viên TACN ở các bối cảnh tương tự có thể sẽ có cơ hội để suy ngẫm về chính cách dạy của họ và khơi dậy năng lực hành động và tính tự chủ trong giảng dạy của họ. Kết quả của nghiên cứu này không những giúp chính người nghiên cứu trả lời các câu hỏi đặt ra ban đầu và tìm ra các giải pháp cụ thể cho môi trường giảng dạy của mình mà còn có thể đem góp phần đưa ra các gợi ý cho các bối cảnh giảng dạy khác tại Việt Nam.
Cuối cùng, kết quả của nghiên cứu sẽ góp phần làm sáng tỏ thực tế giảng dạy TACN cũng như những yếu tố ngoại cảnh tác động đến cách hiểu và cách dạy của giáo viên trong một số bối cảnh của Việt Nam. Điều này sẽ giúp mở ra các bàn luận và hành động thiết thực hơn từ phía các nhà giáo dục và các nhà hoạch định chính sách liên quan tới việc cải thiện chất lượng giảng dạy TACN trong bối cảnh của Việt Nam.
13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo:
Từ nghiên cứu này có thể mở ra một số hướng nghiên cứu tiếp theo. Trước tiên, việc mở rộng phạm vi nghiên cứu đối với việc giảng dạy TACN ở các ngành khác như ngành Kinh tế, Kĩ thuật, Luật, Xây dựng, v.v. có thể giúp chúng ta hiểu thêm về cách hiểu và thực tế giảng dạy của các giáo viên TACN làm việc trong các bối cảnh khác nhau của Việt Nam. Thêm vào đó, cần thực hiện các nghiên cứu trong thời gian dài hơn với nhiều buổi quan sát lớp hơn. Điều này sẽ giúp các nhà nghiên cứu có được cách nhìn mang tính thống nhất hơn đối với thực tế giảng dạy của giáo viên. Ngoài ra, việc so sánh cách hiểu và thực tế giảng dạy của giáo viên trước và sau một vài khóa đào tạo chuyên môn dưới dạng nghiên cứu hành động (action research) có thể là một trong những hướng nghiên cứu tiếp theo. Một điểm nữa là do nghiên cứu này mới chỉ tập trung mô tả thực tế giảng dạy TACN qua lăng kính của những giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học này, do đó, trong tương lai, cũng cần có thêm nghiên cứu tìm hiểu vấn đề từ góc nhìn của nhiều đối tượng khác nhau như sinh viên, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, và nhà tuyển dụng để có thể có được một cái nhìn toàn diện hơn về bức tranh giảng dạy TACN trong các bối cảnh cụ thể của Việt Nam.
14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:
1. Duyen, L. T. H. (2014). Learning to teach ESP: Case studies of two Vietnamese General English teachers. Language Education in Asia, 5(2), 228-237.
2. Duyen, L. T. H. (2015). Teachers’ perceptions about barriers and challenges to ESP teaching in Vietnam. Journal of English Education, 4(1), 1-26
3. Lê Thị Hồng Duyên (2016). Tiếng Anh chuyên ngành từ góc nhìn và thực tế giảng dạy của giáo viên tại một số trường đại học Y Dược Việt Nam (English for specific purposes from the perceptions and practices of teachers at some universities of medicine and pharmacy in Vietnam). Language and Life, 12(254), 81-86.
>>>>> Xem thông tin chi tiết.bản tiếng Anh.
|